Cập nhật: 26/11/2018 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2018, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Với quyết tâm cao, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng nêu trên. Tuy nhiên để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn, cần sửa đổi, bổ sung một số vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật hiện hành.

Hàng lậu bị Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị thu giữ.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam. Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã tham mưu hoàn thiện đồng bộ nhiều cơ sở pháp lý, bảo đảm cho lực lượng kiểm soát hải quan thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả. Nổi bật là, triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; điều tra xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu; cảnh báo toàn ngành tập trung vào các hiện tượng nổi cộm, mặt hàng cấm, như: ma túy, đèn ô-tô, thép tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh; hàng hóa hành lý vận chuyển nhập khẩu qua đường hàng không; sử dụng giấy chứng nhận kiểm soát và chứng thư giám định đối với hàng nhập khẩu sai quy định. Từ đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý thành công nhiều vụ việc, giải quyết dứt điểm hiện tượng buôn lậu nóng, nổi cộm. Từ đầu năm đến tháng 10-2018, lực lượng kiểm soát hải quan đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.109 vụ vi phạm (tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.172 tỷ đồng (tăng 118,76%), thu nộp ngân sách hơn 287 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 60 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 81 vụ.

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, những tháng cuối năm nay, tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, lực lượng kiểm soát hải quan sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, trọng tâm là các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao... Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, xuất, nhập cảnh nhiều lần với mục đích không rõ ràng nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, tuần tra kiểm soát với các lực lượng chức năng, đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế từ công tác thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh đến đào tạo tập huấn.

Toàn ngành đang tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong chỉ huy, trực ban, giám sát trực tuyến, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan để kịp thời xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát hải quan về kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu tự động kết nối các chức năng quản lý trong toàn ngành và các kỹ năng nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu truyền thống.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngành hải quan gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ. Đại diện Cục Hải quan các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, đều cho rằng: thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” của cơ quan hải quan còn bị hạn chế, gây ảnh hưởng công tác điều tra, xử lý của ngành. Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định: Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định của lực lượng hải quan là quá ngắn, vì có những vụ việc khi cơ quan hải quan yêu cầu giám định thì thời hạn chưa bảo đảm, đã dẫn đến chất lượng giám định thấp hoặc không đủ thời gian để giám định, làm ảnh hưởng công tác điều tra và xử lý vụ án...

Các ý kiến cũng cho biết, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng, nhưng lại bị một số đối tượng lợi dụng để thành lập các công ty “ma”, hoặc mua lại công ty đã thành lập để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng. Khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan hải quan tiến hành điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan vấn đề này, bảo đảm giảm thủ tục hành chính, nhưng phải phù hợp thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm