Kinh tế thế giới 11 tháng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá nhờ tăng trưởng tốt tại Mỹ, sự ổn định của các nền kinh tế chủ chốt như châu Âu và các dấu hiệu tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại ở nhiều nước.
Ảnh minh họa
Kinh tế thế giới tháng cuối năm 2018 dự báo tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng; bất ổn, khó lường trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với một số nền kinh tế lớn (Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mốc 2,9% trong năm nay xuống còn 2,5% vào năm 2019.
Kinh tế Mỹ tháng 11/2018 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, nhưng có dấu hiệu giảm tốc so với những tháng trước. Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ đạt 54,4 điểm trong tháng 11, giảm so với 54,9 đỉểm trong tháng 10. Lạm phát có dấu hiệu tăng, ở mức 0,3% trong tháng 10 so với 0,1% trong tháng 9, chủ yếu do giá năng lượng tăng. Thị trường việc làm diễn biến khả quan, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, 3,7% trong tháng 10, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Fed tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, khẳng định tiếp tục kế hoạch điều chỉnh tăng lãi suất một cách hợp lý. Bất chấp các biện pháp tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn đang có xu hướng nới rộng, trong đó tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng lên 301,36 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu có dấu hiệu chậm lại, tốc độ tăng GDP giảm mạnh so với các quý trước (tăng 0,2% trong quý III so với 0,4% trong quý II và 0,7% quý I). Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone tháng 10 đạt mức 53,1 điểm, giảm so với mức 54,1 điểm tháng 9/2018. Áp lực về lạm phát và tăng trưởng việc làm vẫn duy trì ở mức cao.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhẹ, đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua, chỉ đạt 6,5% vào quý III, so với mức 6,8% và 6,7% trong quý I và quý II. Mặc dù tăng trưởng chậm lại, các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc vẫn được tiêu thụ mạnh tại nước ngoài do nhiều doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu trước khi bị đánh thuế cao hơn. Xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức tăng kỷ lục 20,1% trong 4 năm qua. Chỉ số PMI sản xuất sụt giảm mạnh trong tháng 10, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại đáng kể. Chỉ số CPI tháng 10/2018 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá cả có xu hướng giảm
Giá cả hàng hoá thế giới trong tháng diễn biến theo xu hướng giảm do nhu cầu thế giới giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm tháng 10/2018 giảm gần 1% so với tháng 9 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá dầu thô thế giới biến động giảm trong tháng 11/2018 do nguồn cung tăng vọt và cầu thế giới chậm lại. Sản lượng dầu thô Mỹ đã tăng gần 25% trong năm nay lên mức cao kỷ lục 11,4 triệu thùng/ngày, phần lớn nhờ sản lượng dầu đá phiến tăng. Giá dầu dự báo được hạ nhiệt trong thời gian tới do nhu cầu dầu giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent năm 2018 đạt mức trung bình 73,12 USD/thùng và giá dầu WTI đạt 66,79 USD/thùng. Giá dầu thế giới năm 2019 tiếp tục hạ nhiệt, giá dầu Brent có thể ở mức 71,92 USD/thùng và giá dầu WTI đạt 64,85 USD/thùng.
Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu dự báo sẽ chậm lại trong thời gian tới do xung đột thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế quan bổ sung 10% đối với hàng hoá Trung Quốc từ ngày 6/7/2018. Trung Quốc cũng đáp trả với việc trực tiếp áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ hoặc các lợi ích kinh tế khác của Mỹ, dừng mua các nông sản xuất khẩu chính, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những diễn biến tiếp của cuộc xung đột này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở mức độ lớn.
Thị trường tài chính thế giới trong tháng ổn định với lãi suất của Fed vẫn được giữ nguyên ở mức 2,25%. Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động, có nhiều phiên tăng-giảm đan xen do chịu tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Chỉ số USD index tháng 11 duy trì xu hướng tăng giá.
Về đầu tư quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Đông Nam Á đang bùng nổ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. ASEAN đang trở thành nơi để các doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất khi rời khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế.
Theo An Bình/Chinhphu.vn