Cập nhật: 07/12/2018 12:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi hoạt động tội phạm núp bóng loại hình "dịch vụ tài chính", Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các ổ nhóm hoạt động có tổ chức kiểu xã hội đen, liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Theo Trung tá Phan Ngọc Tố, Trưởng phòng Tham mưu (Công an Hà Tĩnh), thời gian qua, tình hình hoạt động của các ổ nhóm tội phạm, các cơ sở cầm đồ, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính trái phép (thực chất là hoạt động "tín dụng đen") trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ sở, đối tượng này tăng nhanh về số lượng, len lỏi tận các địa bàn nông thôn, miền núi, với nhiều thủ đoạn gây án tinh vi, xảo quyệt. Hoạt động này đã làm phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... Ðiển hình là hai vụ giết người có sử dụng "vũ khí nóng" liên tục xảy ra ở huyện Ðức Thọ, huyện Kỳ Anh đều xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp địa bàn làm ăn, có liên quan đối tượng trong các cơ sở cho vay tài chính trái phép. Ngoài ra, còn có một số vụ đổ chất bẩn, chất thải xảy ra ở TP Hà Tĩnh; thuê các đối tượng hình sự đến nhà đòi nợ trái phép xảy ra tại huyện Thạch Hà, huyện Can Lộc; dùng súng bắn bi bắn vào nhà để uy hiếp tinh thần, gây áp lực đòi nợ ở huyện Hương Sơn...

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, loại hình cho vay dưới các tên gọi như "dịch vụ hỗ trợ tài chính", "dịch vụ cầm đồ - cho vay tài chính", "Cho vay tín chấp"... mọc lên như nấm sau mưa. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có khoảng 300 cơ sở đăng ký hoạt động dịch vụ cầm đồ, hầu hết các cơ sở này đều trưng biển cho vay tài chính (tín chấp). Ðiều đáng nói, các "công ty tài chính", "dịch vụ tài chính" giăng biển nhan nhản khắp nơi này chính là một hình thức hoạt động tín dụng bất hợp pháp hoặc "núp bóng" dưới hoạt động cho vay tài chính hợp pháp là dịch vụ cầm đồ. Theo chia sẻ của các cán bộ điều tra hình sự Công an Hà Tĩnh: Khi hoạt động cầm đồ không diễn ra như đúng tên gọi của nó là cho vay có cầm cố tài sản thì việc vi phạm pháp luật là điều hiển nhiên.

Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Hình sự (Công an Hà Tĩnh) cho biết: tại Hà Tĩnh, sau khi khu kinh tế Vũng Áng ra đời, có rất nhiều băng nhóm tội phạm ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An đã kéo về, liên kết với các đối tượng hình sự tại địa bàn xâm nhập hoạt động bảo kê, cung cấp vật liệu xây dựng, dịch vụ bảo vệ, đấu thầu... Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, các đối tượng hình sự ngoại tỉnh đã dạt sang địa bàn khác hoạt động. Tuy vậy, các đối tượng hình sự cộm cán người địa phương lại đứng ra tổ chức, điều hành hoạt động phạm pháp với rất nhiều hình thức, trong đó xu hướng phạm tội liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" có biểu hiện gia tăng. Nhận thấy, việc cho vay tài chính bất hợp pháp hay còn gọi là "tín dụng đen" chính là nguồn gốc làm phát sinh các loại tội phạm. Phòng Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát đối tượng, lên danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh tài chính hợp pháp và bất hợp pháp trên địa bàn, trong đó tập trung vào những cơ sở, đối tượng có biểu hiện, nghi vấn hoạt động "tín dụng đen". Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào thời điểm cuối tháng 11-2018. Phòng Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với đơn vị, địa phương huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt khám xét khẩn cấp năm cơ sở cầm đồ có hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng đã thu giữ gần 600 triệu đồng tiền mặt, năm máy tính, bốn máy tính tiền, điện thoại di động cùng nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến các hoạt động phạm tội. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đây là những cơ sở hoạt động cho vay tài chính trái phép có quy mô lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp sáu đối tượng, tạm giữ 19 đối tượng và tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án mang bí số NL118.

Nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động, tình hình tội phạm các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan hoạt động "tín dụng đen" như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản..., Công an Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Yêu cầu các đơn vị phải lập hồ sơ tất cả những đối tượng, ổ nhóm nghi vấn, gọi hỏi những đối tượng nằm trong diện này để răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền tới người dân những tác động tiêu cực của hoạt động "tín dụng đen" để tránh bị sập bẫy... Ðại tá Ðặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Thủ trưởng Cơ quan CSÐT cho biết. 

Theo NGÔ TUẤN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm