Du lịch Vĩnh Phúc đang thu hút ngày càng nhiều du khách và trở thành điểm đến hấp dẫn. Sự phát triển của du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành Du lịch của tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt về nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu.
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Nhờ đó, lượng du khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh luôn giữ tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, lực lượng lao động của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực này lại thiếu và yếu về chất lượng, mang tính mùa vụ nên không được đào tạo bài bản về chuyên ngành du lịch, chủ yếu được chỉ bảo, hướng dẫn trong thực tế. Do vậy, chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ du lịch cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với du khách.
Ông Nguyễn Duy Loan, Chủ khách sạn Thế Giới Xanh, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo cho biết: "Cơ sở vật chất thì mình có thể đầu tư được, nhưng còn khó khăn về con người, nhân sự để làm sao ngày một kiện toàn hơn, chuyên môn hơn để làm sao để khách đến du lịch Tam Đảo có một ngày nghỉ thoải mái. Nếu được sự giúp đỡ của các ban ngành hỗ trợ được nguồn nhân lực được đào tạo về chuyên môn thì doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng và trả lương cao hơn để làm sao cho đội ngũ ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn".
Theo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thực tế hiện nay nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, chưa hiểu sâu về du lịch nên chưa có nhu cầu học tập và làm việc trong lĩnh vực này. Do vậy, công tác tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Kim Ngân, Phụ trách tuyển dụng khách sạn Westlake, thành phố Vĩnh Yên nói: "Trong lĩnh vực nhà hàng du lịch, thiết nghĩ các cơ quan, sở ban ngành cũng như Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch có chương trình giới thiệu, tạo cơ hội, làm cầu nối cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này có cơ hội tiếp cận với người lao động, như vậy thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho cả đôi bên".
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật về du lịch để bổ sung kịp thời cho các cơ quan quản lý và cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh./.
Thu Hoài