“Nhân học số” là một khái niệm mới trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Thuật ngữ này mới xuất hiện trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây, khi con người bắt đầu bước vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Với những ưu thế về công nghệ và hướng tiếp cận mới, loại hình nghiên cứu nhân học này sẽ là sự lựa chọn tất yếu cho các nhà nhân học trong thời đại công nghiệp 4.0.
Internet đã kết nối nhiều cộng đồng. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong thực tại đời sống, internet of things - vạn vật kết nối đa tuyến trên internet - đã kết nối con người ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nền tảng trực tuyến như Facebook, Youtube, Google, Twitter... đã tập hợp các nhóm cộng đồng lại với nhau cùng chia sẻ các quan điểm về chính trị, xã hội, sở thích, hoặc bất cứ điều gì họ quan tâm để thành lập các nhóm riêng của mình... khái niệm “công dân số” (digital citizen) cũng bắt đầu hình thành. Việc nghiên cứu công dân số, cộng đồng số đặt ra như một yêu cầu trong xã hội hiện đại, khi không gian xã hội hiện nay đã bao gồm cả không gian ảo.
Nghiên cứu nhân học số có lý thuyết và có các phương pháp thực hành cụ thể, riêng biệt. Việc áp dụng những phương pháp này khuyến khích các nhà nhân học chia sẻ nghiên cứu, sử dụng nền tảng kỹ thuật số và đề xuất các giải pháp để nghiên cứu các cộng đồng số. Không gian ảo trong nghiên cứu nhân học số không hiện hữu trong thực tại bằng những số đo định lượng nhưng lại kết nối một cách chặt chẽ và mật thiết với không gian thật. Ở đó nó cho phép các nhà nhân học có thể quan sát, phân tích và giải thích các hiện tượng văn hóa xã hội đang xuất hiện hằng ngày và diễn ra trong nhiều không gian tương tác.
Việt Nam có quy mô dân số hơn 90 triệu người, và là quốc gia có tỷ lệ số hóa nhanh nhất ở khu vực Đông-Nam Á, đến nay (2018) đã có hơn 50 triệu người thường xuyên kết nối với internet qua các hình thức khác nhau. Trong gần hai thập kỷ qua, các nhà nhân học Việt Nam đã từng bước tiếp cận với những lý thuyết hiện đại để nghiên cứu nhân học và từng bước áp dụng trong nghiên cứu thực địa, với sự hợp tác, chia sẻ của các nhóm cộng đồng. Nhiều nhà nhân học ở Việt Nam bằng các hình thức khác nhau đã áp dụng lý thuyết nhân học hiện đại và sử dụng các phương pháp thực hành mới có áp dụng kỹ thuật số hóa để nghiên cứu các cộng đồng và những vấn đề của xã hội.
PGS Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm khoa Nhân học, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, cho biết: “Các nhà nhân học ở Việt Nam đã sử dụng các phương pháp dựa trên nền tảng công nghệ số như: làm phim cộng đồng, photovoice, đồng nghiên cứu…, từng bước tạo nên “ngành” nhân học số, nhân học hợp tác - chia sẻ trong một số dự án hợp tác với các nhóm cộng đồng”. Tuy nhiên, công việc đó mới chỉ dừng lại ở một số cá nhân hay một số cơ quan mà chưa thật sự trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong việc áp dụng lý thuyết và vận dụng phương pháp thực hành một cách hệ thống, quy mô và bài bản trong nhân học để hình thành nên trào lưu nhân học số phù hợp với xu thế của thời đại.
PGS Nguyễn Trường Giang cũng nêu ý kiến: “Thực tiễn đó đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới rất căn bản và cấp bách là triển khai các hoạt động khoa học và đào tạo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và chuyên gia áp dụng khoa học công nghệ mới để nghiên cứu, bảo tồn các lĩnh vực liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có ngành nhân học... nhằm khai thác và phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển đất nước”.
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực nghiên cứu, cả khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, coi đó như là chìa khóa để giải quyết các vấn đề thực tại và đi tới tương lai. Trên nền tảng công nghệ, các thông tin gắn liền với nghiên cứu đều được số hóa và kết nối với các nguồn mở, những nguồn tài nguyên này càng trở thành giàu có hơn, phong phú hơn và sẽ trở nên vô tận.
Theo Thiên Phương. Ảnh: Trần Hải
Theo nhandan.com.vn