Năm 2018 chứng kiến nền khoa học thế giới đạt được những thành tựu vượt bậc nhưng cùng với đó là những mất mát và cả sự hoài nghi.
Giáo sư Stephen Hawking
“Ông hoàng Vật lý” Stephen Hawking qua đời
Nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học Stephen Hawking mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên từ năm 23 tuổi. Căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh khiến cơ thể ông bị liệt. Bác sĩ dự đoán chỉ có thể sống thêm 2 năm, song ông đã sống hơn 50 năm.
Ông trở thành Giáo sư Vật lý năm 35 tuổi, đặt nền móng cho ngành vũ trụ học với giả thuyết hố đen phát ra "bức xạ Hawking" năm 1974. Cuốn sách Lược sử thời gian năm 1988 do ông là tác giả đã có hơn 10 triệu bản bán ra.
Stephen Hawking qua đời tại nhà riêng ở Cambridge (Anh) ngày 14/3/2018, hưởng thọ 76 tuổi. Cách ông vượt qua bệnh tật và đạt đến đỉnh cao trong nghiên cứu đã truyền cảm hứng cho những người làm khoa học.
Tàu thăm dò Parker
Tiếp cận Mặt trời ở khoách cách gần nhất
Ngày 12/8, NASA phóng thành công tàu thăm dò Parker tại Trạm không quân Cape Canaveral, Florida, Mỹ. Con tàu có nhiệm vụ tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay trong dự án kéo dài 7 năm.
Theo kế hoạch, tàu Parker Solar sẽ bay 24 vòng quanh Mặt trời và mượn lực hấp dẫn của sao Kim để thu hẹp dần quỹ đạo. Tàu sẽ đến gần Mặt trời nhất vào năm 2024 ở khoảng cách 6,2 triệu km và trở thành tàu vũ trụ đầu tiên bay qua vành nhật hoa của Mặt trời.
Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê
Tranh cãi xung quanh em bé chỉnh sửa gene đầu tiên
Ngày 26/11, tại Hong Kong, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê (người Thâm Quyến, Trung Quốc) tuyên bố tạo ra hai bé gái song sinh chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR - Cas9 trên phôi thai của 7 cặp đôi.
Ông Hạ cho rằng thí nghiệm không phải để chữa trị hay ngăn ngừa bệnh di truyền mà nhằm thử chèn thêm các đặc tính sinh học hiếm như khả năng kháng nhiễm HIV.
Công trình của PGS Hạ Kiến Khuê làm bùng nổ cuộc tranh cãi toàn cầu về áp dụng công nghệ gene trên người, đặc biệt là chỉnh sửa gene, với lo ngại về tôn giáo, đạo đức, pháp luật. Mặt khác, giới nghiên cứu cho rằng chỉnh sửa gene trên người khi không kiểm chứng được tương tác của các gene thêm vào hoặc bị loại bỏ, là đầy mạo hiểm.
Chưa ai khẳng định được đây là bước tiến hóa dài hay thảm họa nhân loại.
Những chú khỉ được nhân bản
Nhân bản đôi khỉ đầu tiên trên thế giới
Nhóm nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học tại Thượng Hải lần đầu nhân bản thành công loài khỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT).
Việc tạo ra những con khỉ nhân bản có gene giống hệt nhau sẽ giúp tạo ra nguồn mẫu vật để nghiên cứu các bệnh về não do di truyền, ung thư, rối loạn miễn dịch hoặc trao đổi chất, cho phép đánh giá độ hiệu quả của thuốc chữa bệnh trước khi đưa vào sử dụng lâm sàng.
Máy bay siêu thanh gắn động cơ tên lửa của hãng Virgin Galactic
Máy bay siêu thanh Mỹ chở người lên rìa vũ trụ
Ngày 13/12, VSS Unity, máy bay siêu thanh gắn động cơ tên lửa của hãng Virgin Galactic, đã phóng lên rìa vũ trụ từ Cảng Hàng không và vũ trụ Mojave ở California.
VSS Unity tách khỏi tàu mẹ WhiteKnightTwo ở độ cao 13.106 m, kích hoạt động cơ tên lửa trong 60 giây và bay thẳng lên cao với tốc độ gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh. Máy bay đưa 2 cựu phi công lên độ cao tối đa 82,7 km, vượt mốc rìa vũ trụ là 80,5 km.
Thử nghiệm này cho thấy khả năng chở người lên rìa vũ trụ an toàn của VSS Unity, giúp Virgin Galactic tiến gần hơn tới mục tiêu đưa du khách vào không gian.
Tàu thăm dò InSight
Tàu thăm dò NASA đáp thành công xuống sao Hỏa
Ngày 27/11, tàu thăm dò InSight trị giá 850 triệu USD của NASA tiếp đất an toàn trên sao Hỏa, đánh dấu lần hạ cánh thành công đầu tiên xuống hành tinh đỏ. Chuyến hạ cánh được mô tả là "7 phút kinh hoàng" vì InSight phải giảm tốc độ từ 19.800 km/h xuống còn 5 km/h chỉ trong vài phút.
Việc InSight tiếp đất thành công mở ra kỷ nguyên mới với các công cuộc khám phá tiếp theo để các nhà khoa học có thể biết được những gì có bên dưới bề mặt sao Hỏa - nơi trước đây vẫn luôn là bí ẩn.
Cầu vượt biển dài 55 km nối Hong Kong - Macau - Chu Hải
Cầu vượt biển dài nhất thế giới
Cầu vượt biển dài 55 km nối Hong Kong - Macau - Chu Hải khánh thành ngày 23/10 được mệnh danh là kỳ quan kiến trúc thế giới. Với vốn đầu tư 18 tỷ USD, đây là cầu vượt biển dài nhất thế giới và dài thứ 6 trên Trái đất. Công trình giúp giảm thời gian di chuyển từ Hong Kong đến thành phố Chu Hải từ ba tiếng xuống 30 phút, mở ra tiềm năng lớn về phát triển kinh tế và du lịch.
Số thép sử dụng xây cầu nhiều hơn 60 lần tháp Eiffel. Cây cầu chịu được động đất 8 độ richter, siêu bão và tàu thuyền va chạm.
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ diễn ra vào rạng sáng 28/7, kéo dài từ 0h14’ đến 5h19’ theo giờ Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện thiên văn gây chú ý nhất trong thế kỷ 21. Hiện tượng có thể quan sát ở phần lớn các nước châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.
Theo Chinhphu.vn