Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 mới đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đã chia sẻ các đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển du lịch Việt Nam. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong ba năm vừa qua là rất nhanh (30%/năm), nhưng duy trì được con số này là rất khó.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ nhiều năm nay. Ảnh: MINH QUÂN
Du lịch đã chạm ngưỡng giới hạn?
Du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hằng năm trung bình 30% trong hơn ba năm qua, hiện đóng góp trực tiếp 7,5% vào GDP. Việt Nam xếp thứ sáu trong tốp 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm ngoái; đồng thời thu hút 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho hơn hai triệu người... Tuy nhiên trong những năm tiếp theo, du lịch Việt Nam cần thay đổi để tránh chạm ngưỡng giới hạn.
Năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu khách du lịch quốc tế, thu về 8,3 tỷ USD. Đến cuối năm 2018, đã đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng so với Xin-ga-po thu 18,4 tỷ USD, Thái-lan thu 52,5 tỷ USD thì đây vẫn là con số rất thấp nếu dựa trên tiềm năng du lịch của nước ta. Khách nước ngoài đến Việt Nam chi tiêu trung bình chỉ 900 USD một chuyến đi, trong khi mức chi tiêu tại Thái-lan là 1.565 USD. Điều đó cho thấy, dù du lịch Việt Nam có tiềm năng và đã tăng trưởng mạnh mẽ, song trình độ phát triển du lịch nước ta vẫn có sự tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Tổng giám đốc một công ty lữ hành chuyên phục vụ khách du lịch châu Âu cho biết, công ty không dám đưa khách đến Sa Pa vì lượng khách quá đông, trong khi hạ tầng dịch vụ tại đây không đáp ứng nổi.
Bất cập về cơ sở hạ tầng lưu trú là điều dễ thấy. Hà Nội hiện có 67 khách sạn hạng sang với hơn 10 nghìn phòng. Năm 2017, Hà Nội đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế và gần 19 triệu lượt khách trong nước. TP Hồ Chí Minh có 641 khách sạn đang hoạt động, bao gồm 10 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao. Các khách sạn này luôn hoạt động hết công suất. Trong khi đó, thị trường khách sạn tại các điểm đến hấp dẫn khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… cũng đang rất hạn chế. Với du lịch, kết cấu hạ tầng phải bảo đảm luôn sẵn sàng và đạt chuẩn để phục vụ nhất là khách quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam vừa qua rất nhanh và giữ được tốc độ này là vô cùng khó. Bởi vì, khi phát triển nhanh đến một ngưỡng nhất định, ngành du lịch và các ngành liên quan phải đối mặt các thách thức không thể giải quyết ngay trong vòng một hoặc hai năm. Chẳng hạn như lĩnh vực hàng không, hạ tầng sân bay.
Tìm cách tháo gỡ cho hạ tầng
Theo Đề án cơ cấu lại ngành du lịch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 5-12), mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp hơn 10% GDP; tạo ra sáu triệu việc làm, trong đó có hai triệu việc làm trực tiếp; nâng tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ từ 30 đến 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 130 triệu lượt khách du lịch trong nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT và DL) Lê Quang Tùng cho biết, đề án nêu trên do Bộ VH - TT và DL xây dựng, được tham vấn chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực... Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém bất cập trong ngành du lịch hiện nay với những “điểm nghẽn” đang gặp phải như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể các giải pháp căn cơ, với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào… sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Về khả năng tăng trưởng khách quốc tế đến năm 2025, ông Ken-nét Át-kin-xơn, Chủ tịch điều hành Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam cho rằng, Việt Nam muốn đạt được các mục tiêu của đề án thì nhất thiết phải sẵn sàng về hạ tầng. Chính “điểm nghẽn” hạ tầng hiện là yếu tố cản trở du lịch Việt Nam phát triển. Ông Giôn Lin-kít, chuyên gia du lịch toàn cầu, cố vấn cấp cao của tập đoàn tư vấn BCG chỉ ra, muốn đột phá ngành du lịch, cần nới lỏng chính sách cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho khách du lịch, tăng cường kết nối giao thông, đầu tư hạ tầng sân bay… Trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng hàng không càng nhanh càng tốt cho sân bay và kết nối sân bay. Chúng ta phải có động thái tháo gỡ kiên quyết, nếu không “điểm nghẽn” hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, ngoài việc thiếu khả năng đáp ứng nguồn nhân lực, yếu về tiếp thị, xúc tiến quảng bá, chính sách thị thực… thì hạ tầng hàng không đang là nguyên nhân kìm hãm du lịch Việt Nam phát triển. Bởi thế, để đạt mục tiêu đến năm 2025 như đã nêu trên, ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi cơ cấu, vượt qua thách thức về hạ tầng, khách sạn; tăng tốc phát triển sân bay, nâng cao công suất phục vụ, tăng vận tải hàng không.
QUANG ĐÔNG
Theo nhandan.com.vn