Một trong những chủ đề làm việc của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được dư luận xã hội hết sức quan tâm, theo dõi đó là việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020 và thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với hơn 3.200 km bờ biển và diện tích biển rộng hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền, Việt Nam luôn được coi là quốc gia có thế mạnh về biển. Thế nhưng, để biến những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi ấy trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là việc xây dựng quy hoạch dài hạn và khoa học để làm sao mỗi vùng, miền phát huy được sức mạnh và lợi thế sẵn có để phát triển trong bức tranh tổng thể của đất nước. Công tác quy hoạch chi tiết và bài bản sẽ giúp cho tránh được tình trạng “giẫm chân lên nhau” trong quy hoạch cảng biển, khu kinh tế biển như đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua. Việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ theo các quy định trong nước và quốc tế cũng là trở ngại khiến ngành nuôi trồng và đánh bắt hải sản của nước ta phát triển thiếu bền vững. Không những thế, tình trạng gây ô nhiễm môi trường biển mà điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền trung thời gian qua, đã làm phá vỡ hệ sinh thái biển và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục được.
Để làm giàu từ biển và làm chủ biển, chúng ta phải chủ động nắm vững các ngành khoa học về biển. Đó là các ngành khoa học nghiên cứu về môi trường sinh thái biển, cấu trúc, vật chất thềm lục địa và đáy biển. Công tác nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng lối sống, văn hóa người dân các vùng biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ quá trình sinh sống, làm việc trong môi trường biển như ngành đóng tàu, công nghiệp hóa dầu để sản xuất hóa, mỹ phẩm từ các sản phẩm dầu mỏ,… sẽ đóng góp vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy quá trình làm giàu từ biển.
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian tới, Việt Nam phải hướng ra biển và lấy biển làm không gian sinh tồn trong những thế kỷ tới. Những kinh nghiệm từ thực tiễn ở Hà Lan và nhiều nước có biển cho thấy: Thông qua những tri thức, hiểu biết về biển, chúng ta có thể làm giàu từ biển và mạnh lên từ biển. Đấy chính là cách thức mà cha ông ta hàng nghìn năm qua đã đúc kết trong cuộc đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Giờ đây, với tri thức và hiểu biết về biển, khát vọng chinh phục biển sẽ giúp chúng ta biến biển thành “biển bạc” như kỳ vọng nếu chúng ta biết chuyển quyết tâm thành hành động cụ thể.
Theo THANH PHƯƠNG/nhandan.com.vn