Khi người sử dụng ma túy vẫn còn ngồi sau vô lăng thì người tham gia giao thông vẫn bị đe dọa tính mạng nghiêm trọng nên cần có giải pháp để chấm dứt.
Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An khiến 4 người chết và 18 người bị thương, dư luận lên án mạnh mẽ tài xế Phạm Thành Hiếu, đặc biệt khi tài xế gây ra tai nạn thương tâm này dương tính với ma túy.
Việc Hiếu sử dụng ma túy cũng phơi bày một góc khuất trong nghề lái xe trọng tải nặng và lái xe đường dài, đó là nguy cơ sử dụng chất kích thích, chất ma túy để tạo hưng phấn, tỉnh táo. Chính điều này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Câu chuyện lái xe sử dụng chất kích thích, chất ma túy không còn mới mà chỉ được xới lại sau vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An ngày 3/1 vừa qua. Ở khía cạnh nào đó, thực trạng này cho thấy mặt trái của ngành kinh doanh vận tải khi doanh nghiệp muốn lợi nhuận cao, tài xế muốn có thêm thu nhập, dẫn đến có thể bất chấp hậu quả, kể cả tính mạng của cộng đồng.
Tai nạn xe container tông hàng loạt xe máy ở Long An làm chết 4 người, 18 người bị thương
Anh Trần Văn Thanh, một lái xe ở quận 12 TP HCM cho biết, giữa doanh nghiệp và lái xe có thỏa thuận ngày làm việc 8 tiếng, nếu quá thời gian trên thì hai bên tự thỏa thuận, bên nào gây ra hậu quả thì bên đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Anh Thanh cũng cho hay, việc doanh nghiệp, chủ phương tiện ép tài xế chạy nhiều hơn thời gian quy định là hoàn toàn có thật. Bởi vậy, đối với tài xế để chịu được áp lực của doanh nghiệp vận tải, của chủ phương tiện, nhiều khi phải sử dụng chất kích thích, chất ma túy.
“Thường chạy một ca 6 tiếng, bây giờ chỉ có một tài xế thì phải chạy 8 tiếng, thì người ta buồn ngủ đuối sức nên người ta phải dùng chất kích thích để tỉnh táo còn có thể chạy tiếp, qua đó xảy ra những hệ lụy”, anh Thanh nói.
Nói về việc tài xế sử dụng ma túy, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết với tài xế đường dài thì việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng với tài xế chạy đường ngắn, ví dụ như tài xế xe container gây tai nạn ở Long An thì không thể nói là tài xế chịu áp lực công việc mà việc sử dụng ma túy là tự bản thân.
Pháp luật có quy định về việc khám sức khỏe định kỳ cho tài xế và chủ doanh nghiệp phải thực hiện điều này. Nhưng theo ông Quản để theo dõi một tài xế có sử dụng ma túy hay không lại là điều không đơn giản.
“Chủ doanh nghiệp muốn nắm rõ tài xế của mình có sử dụng ma túy hay không thì phải là một quá trình. Cái thứ hai nữa là thực trạng chung là làm cái gì thì làm quan trọng cái tự giác của người lái xe, sự kiểm soát của chủ xe”, ông Quản cho biết.
Mới đây, trong cuộc gặp mặt báo chí cuối năm 2018, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng, để hạn chế người nghiện ngồi sau vô lăng, cần phải siết chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện giao thông cơ giới trong việc sử dụng lao động. Công an TPHCM mong muốn sắp tới, ngành chức năng cần có thêm các quy định xử phạt chủ phương tiện, thậm chí trong một số trường hợp chủ phương tiện phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự:
“Biết lái xe nghiện nhưng anh vẫn giao cho họ, thì hễ xảy ra tai nạn thì phải xử lý, hoặc là những trường hợp tai nạn do quá tải, trường hợp tai nạn do lái xe bị ép chạy xe tốc độ cao, quay vòng cho nhanh, cái này cần xem xét ở tội danh khác với chủ xe ở tình thế ép lái xe dẫn đến tai nạn”, Thiếu tướng Anh Minh cho biết.
Theo Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, việc quy trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải Bộ luật Hình sự quy định chưa rõ ràng, nhưng áp dụng ngay vẫn có thể được ở hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong an toàn giao thông đường bộ.
Luật gia Đặng Đình Thịnh cho biết, nếu là chủ phương tiện thì khi giao cho tài xế, họ phải biết phương tiện đó còn hạn sử dụng, còn quyền lưu hành, tài xế có bằng cấp, đủ sức khỏe đặc biệt không mắc bệnh tật, không sử dụng chất kích thích.
"Đây là loại loại hình lao động có điều kiện, tài xế trước mắt phải có bằng cấp, xe phải đủ an toàn lưu thông, thứ hai nữa là sức khỏe, anh sử dụng lao động phải biết người ta đủ sức khỏe, vì xe là phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm trong xã hội, anh là chủ phương tiện thì phải chịu trách nhiệm", Luật gia Đình Thịnh nói.
Khi tình trạng người nghiện, người sử dụng ma túy, chất kích thích vẫn còn ngồi sau vô lăng thì người tham gia giao thông vẫn bị đe dọa tính mạng nghiêm trọng. Thiết nghĩ, việc quản lý các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện hay quản lý tài xế được quy định rõ trong luật giao thông đường bộ và một số nghị định của Chính phủ. Thêm vào đó, việc đề xuất xử lý hình sự đối với chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải trong một số trường hợp cũng là mong muốn đề cao ý thức hơn trong kinh doanh.
Vì vậy, trước mắt, các ngành, các địa phương cần siết chặt hơn sự giám sát đối với chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và tài xế trong việc thực hiện các quy định khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông. Hoạt động này phải diễn ra định kỳ, thường xuyên, nghiêm túc chứ không làm theo kiểu rầm rộ một thời gian rồi tạm lắng.
Theo Việt Đức-Tiến Dũng/VOV.VN