Đến hẹn lại lên, vào dịp giáp Tết, hoạt động buôn lậu tại các tuyến biên giới, hàng không và trên biển lại nguy cơ bùng phát với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Buôn lậu ngày càng tinh vi và manh động
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế... Mặt hàng vi phạm đa dạng bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu (XNK) có điều kiện, hàng sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng... Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và manh động, luôn luôn “canh chừng” các lực lượng chức năng để đưa hàng vượt biên giới thẩm lậu vào nội địa.
Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/12/2018, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan (tăng 9,54 %); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.702 tỷ đồng (tăng hơn 115,61 %); thu ngân sách đạt gần 351 tỷ đồng (tăng 4,83 %) so với cùng kỳ năm 2017. Cơ quan Hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ.
Lực lượng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thu giữ 34kg sừng tê giác vận chuyển trái phép từ Nam Phi về Việt Nam
“Trong thời gian cuối năm, nhu cầu tiêu dùng cao, trong đó có mặt hàng cấm thể hiện thú chơi, đẳng cấp của một bộ phận dân cư châu Á gia tăng, khiến cho việc buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã, các loại ma túy gia tăng. Đặc biệt, tại các cửa khẩu đường hàng không sẽ là điểm nóng cần quan tâm trong dịp cuối năm, Tết đến”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, đường hàng không được các đối tượng lựa chọn bởi ưu thế nổi bật là vận chuyển nhanh và vận chuyển xa. Các đối tượng buôn lậu bất chấp sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng, liều lĩnh vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, hàng quốc cấm.
Bằng chứng là ngày càng có nhiều vụ buôn lậu hàng quốc cấm bị phát hiện, đặc biệt là sản phẩm động vật hoang dã với số lượng lớn. Điển hình như vụ bắt giữ 34kg sừng tê giác tại sân bay Nội Bài, từ Nam Phi về Việt Nam, trị giá gần chục tỷ đồng; hay thu giữ gần 1 tấn ngà voi, vẩy tê tê vận chuyển qua đường hàng không từ Nigeria về Sân bay quốc tế Nội Bài…
Tại tuyến biên giới Móng Cái, lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan số 1 cho biết, tất cả các vụ vận chuyển hàng lậu, chủ đầu nậu thường rất ít lộ diện mà chủ yếu đứng đằng sau điều hành, thuê người giao dịch, áp tải, vận chuyển, mang vác hàng hóa nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ thường rất khó xử lý được các đối tượng cầm đầu.
Trong quá trình tổ chức bốc hàng lên xe, các đối tượng thường cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng chống buôn lậu ngay tại trụ sở làm việc, nếu thấy lực lượng chức năng “xung trận” thì đám “chim lợn” sử dụng bộ đàm, điện thoại di động báo về cho đầu nậu, mọi hoạt động ngay lập tức dừng lại, xóa dấu vết như chưa từng có gì diễn ra nơi đây.
Với tháng “củ mật”, Cục Hải quan Quảng Ninh dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không được kiểm soát tốt.
Do vậy, trong tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Hải quan Quảng Ninh tập trung kiểm soát tốt địa bàn hoạt động hải quan, thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu.
Còn trên tuyến biên giới Lạng Sơn, những ngày cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua các đường mòn lối mở có dấu hiệu bùng phát.
Hàng lậu phần lớn đều do các chủ đầu nậu lợi dụng cư dân biên giới không có việc làm hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia vận chuyển bằng cách chờ đêm tối, khi vắng bóng lực lượng chức năng, sẽ vác từng bao tải nặng từ 50 đến 70kg theo đường mòn, vách núi cheo leo dọc biên giới như khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, khe Bà Lan, đường mòn 386 (Tân Mỹ, Văn Lãng); khu vực đường mòn dốc 05, 06, (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc), một số đường mòn trên địa bàn các xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia của huyện Lộc Bình.
Các đối tượng buôn lậu còn thuê cả nhà dân làm kho chứa hàng dã chiến, chờ khi gom đủ hàng sẽ nhanh chóng chuyển lên xe máy rồi vận chuyển sâu vào nội địa. Sau đó, các đối tượng sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn Giá trị gia tăng mua lại của một số hộ kinh doanh khu vực thị trấn Ðồng Ðăng hoặc trong các chợ sát biên giới, nhằm hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.
Tăng cường kiểm tra kiểm soát
Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán hàng cấm, hàng giả, ma túy vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp vào những tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Các đối tượng buôn lậu sẽ tìm cách mở thêm một số đường mòn vận chuyển hàng lậu qua biên giới để phân tán và tránh sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng chức năng.
Lực lượng Hải quan và bộ đội biên phòng thực hiện hoạt động nghiệp vụ tại cửa khẩu
Để phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới đạt hiệu quả cao trong đợt cuối năm, ông Lê Đức Thọ cho biết, lực lượng Hải quan Lạng Sơn đã bố trí chốt chặt 24/24h ở các điểm nóng như: Hai bên cánh gà các cửa khẩu và các đường mòn, lối mở trên biên giới, nhằm giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng cấm như: Pháo nổ, ma túy, tiền giả… từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Tổ chức dựng lán chốt chặn các lối mòn điểm xung yếu, để ngăn chặn buôn lậu vận chuyển hàng lậu đi qua. Ngoài ra, lực lượng Hải quan còn tăng cường kiểm tra các khu vực xuất phát luồng hàng hóa, nhất là kiểm tra các kho hàng tại khu vực cửa khẩu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi chứa chấp, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu.
“Hải quan Lạng Sơn sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tập trung đánh trúng các đầu nậu, triệt phá các tụ điểm buôn lậu trên biên giới, kiên quyết ngăn chặn, không để hình thành các tụ điểm buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ kể cả xử lý hình sự để răn đe hành động buôn lậu, gian lận thương mại”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.
Ông Nguyễn Khánh Quang nhận định, từ nay đến Tết nguyên đán, hoạt động buôn lậu sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Do đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo kịp thời phân tích thông tin, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
“Lực lượng điều tra chống buôn lậu xác định các tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, các hiện tượng nổi cộm để lập chuyên án đấu tranh; phối hợp với hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan”, ông Quang nhấn mạnh.
Tại những tuyến địa bàn nổi cộm, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường công tác phòng, chống ma tuý và quản lý tiền chất giai đoạn 2018 -2020; thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN