Cập nhật: 09/01/2019 09:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành du lịch Việt Nam vừa kết thúc một năm với những kết quả rất khả quan, đáng chú ý là số khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt 15,6 triệu người, con số mà chỉ ít năm trước còn là mơ ước. Các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách phải kể đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những con số, dù rất cần thiết, nhưng vẫn không thể tìm thấy trong những báo cáo tổng kết, chẳng hạn như mức chi tiêu của khách khi du lịch Việt Nam.

Việc khách du lịch luôn “tiết kiệm” khi đến Việt Nam là vấn đề tồn tại lâu nay. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2017, khách quốc tế (có lưu trú) chi tiêu bình quân 1.171,3 USD cho chuyến đi dài 9,27 ngày tại Việt Nam. Con số này năm 2013 là 1.143 USD. Tức là sau bốn năm, mức chi tiêu bình quân của một khách trong một chuyến đi chỉ tăng thêm có gần... 2,5%. Năm 2018, mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng khi lượng khách tăng mạnh, nhất là khách quốc tế (tăng gần 21% so với năm 2017) còn tổng thu từ du lịch tăng khoảng 14,6%, từ 541 nghìn tỷ đồng lên 620 nghìn tỷ đồng, cho thấy các “thượng đế” khi du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục... tiết kiệm.

Phát triển nhanh, mạnh là bức tranh chung của du lịch Việt Nam. Có điều thực tế đang xảy ra tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Trong khi không ít địa phương có tiềm năng du lịch nhưng vẫn vắng khách, thì một số địa phương bắt đầu quá tải. Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) với không gian phố cổ nhỏ bé, mỗi năm phải “tải” đến năm, sáu triệu lượt khách. Thủ đô Hà Nội năm 2018 đón 26,04 triệu khách du lịch, song khách chỉ thường tập trung ở khu vực phố cổ và không gian hồ Hoàn Kiếm, khiến những nơi này luôn đông đúc.

Từ ngày có đường cao tốc từ Hà Nội đi Sa Pa và cáp treo lên đỉnh Phan-xi-păng (tỉnh Lào Cai), thị trấn Sa Pa luôn ồn ào, tấp nập và rất hay “cháy phòng”. Tình trạng quá tải sinh ra nhiều hệ lụy về môi trường, tăng nguy cơ hủy hoại các di sản và ảnh hưởng sự hấp dẫn của điểm du lịch. Số lượng khách châu Âu, châu Mỹ - những thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, đều sụt giảm tại Sa Pa và Hội An.

Thay vì chỉ chạy theo những con số đẹp, việc phát triển du lịch theo “chất” hay “lượng” phải được căn cứ vào tình hình thực tế mỗi địa phương. Những địa phương đã và đang quá tải cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, có chiến lược nghiên cứu nhu cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch để tập trung khai thác những thị trường có khả năng chi tiêu cao. Hay nói cách khác, là “chọn lọc” khách “hạng sang”. Những địa phương có tiềm năng nhưng chưa thu hút khách du lịch thì phát triển song song cả “lượng” và “chất”. Tiếp đó, là tăng độ hấp dẫn của các loại hình dịch vụ, giải trí, quà lưu niệm để cả khách trong nước lẫn quốc tế phải tăng chi tiêu.

Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch ồ ạt ở nhiều địa phương đã làm giảm sự hấp dẫn của chính địa phương đó. Những tòa nhà bê-tông cốt thép mọc lên khiến Sa Pa không còn yên bình, sắc màu văn hóa các dân tộc nơi đây cũng bắt đầu có nguy cơ phai nhạt. Đó là thí dụ về việc nên cân nhắc giữa “lượng” và “chất” trong phát triển du lịch. Mục tiêu đón 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2019 có thể thành hiện thực. Thế nhưng, nếu chỉ tiếp tục chạy theo “lượng” như hiện nay thì việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cao hơn vào GDP của cả nước sẽ còn khó khăn và sự phát triển cũng thiếu bền vững.

GIANG NAM

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm