Cứ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tại các tỉnh biên giới và các đô thị lớn lại bùng phát dữ dội. Thời gian gần đây, các hành vi phạm tội buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, diễn ra ở cả đường bộ, đường biển, đường hàng không... trên phạm vi cả nước.
Cán bộ Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) kiểm tra lô hàng cấm bị bắt giữ.
Ngăn chặn từ “đầu nguồn”
Một trong những khu vực được coi là “đầu nguồn”, điểm nóng của buôn lậu ở khu vực phía bắc là tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) là nơi tập kết hàng nhập lậu lớn nhất trên tuyến biên giới Lạng Sơn. Vì là thị trấn giáp biên giới cho nên hàng lậu từ các địa bàn như: Cốc Nam, Kéo Kham, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được tuồn về tập kết tại đây. Quyền Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 (quản lý địa bàn thị trấn Đồng Đăng) Bùi Văn Lợi cho biết, hàng lậu được các đối tượng vận chuyển từ biên giới về, lập tức được các chủ hàng phù phép hợp pháp hóa bằng hóa đơn, chứng từ mua, bán hàng để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Các lực lượng chức năng rất khó bắt được hàng nhập lậu đang lưu thông trên cửa khẩu, mà chỉ khi hàng lậu vừa tập kết về, chủ hàng chưa kịp ghi hóa đơn, chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa..., hoặc khi kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... thì mới thu giữ được. Hầu hết các mặt hàng nhập lậu, khi đã vào các chợ đầu mối của tỉnh đều đã được hợp pháp hóa bằng hóa đơn, chứng từ, được bày bán công khai, khiến cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ở Lạng Sơn luôn phức tạp. Nếu trước đây, chủ hàng sang biên giới mua hàng rồi thuê người dân vận chuyển, thì bây giờ chủ hàng chỉ cần đưa mẫu mã, loại hàng, hẹn địa điểm nhận hàng cho người vận chuyển tự đi mua, tự đem hàng về giao, nếu bị bắt thì tự chịu. Đây là thủ đoạn mới của chủ hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Đại úy Vũ Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cốc Nam (thuộc Đồn Biên phòng Tân Thanh, huyện Văn Lãng) cho biết: Các đối tượng vận chuyển hàng lậu chủ yếu lợi dụng đêm tối, địa hình đồi núi hiểm trở để mang vác hàng lậu theo các đường mòn biên giới. Hoạt động buôn lậu diễn ra bất cứ thời điểm nào, chỉ cần sự vắng bóng của lực lượng chức năng là hàng lậu được các chủ hàng thuê người khuân vác qua biên giới tuồn vào trong nước. Bên cạnh đó, do đời sống người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, không có việc làm, lại đang lúc nông nhàn, cho nên dễ bị các chủ hàng mua chuộc, lôi kéo vào việc vận chuyển hàng lậu. Xác định địa bàn là điểm nóng về buôn lậu, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp lực lượng hải quan cửa khẩu Cốc Nam, duy trì chế độ canh trực 24/24 giờ trong ngày; thành lập tám tổ công tác chốt chặn ở lối mòn qua biên giới, song vẫn chưa thể ngăn chặn được triệt để tình trạng buôn lậu. Nhất là, vào dịp giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, cho nên các đối tượng buôn lậu bất kể ngày đêm, vượt biên giới mua bán, vận chuyển hàng hóa; khi gặp lực lượng chức năng thì bỏ chạy qua bên kia biên giới. Để ngăn chặn hàng lậu trong những ngày này, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đang tăng cường tuần tra, cắm chốt quản lý, kiểm soát chặt người và phương tiện qua lại biên giới. Mới đây, đêm 14-12-2018, tại xã Cao Lầu, huyện Cao Lộc, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp lực lượng của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động bắt quả tang 24 đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam. Số lượng hàng hóa bị thu giữ khoảng 100 tấn gồm: thuốc bắc, phụ tùng, phụ kiện ô-tô, đồ gia dụng... trị giá nhiều tỷ đồng.
Không để hàng nhập lậu đến được đích
Với vị trí là trung tâm của cả nước, thành phần dân cư đa dạng, nhu cầu tiêu dùng lớn, TP Hà Nội luôn là đích ngắm của các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm. Cuối năm, các đối tượng vận chuyển hàng lậu tìm mọi cách, mọi thủ đoạn hòng qua mặt lực lượng chức năng để đưa được hàng lậu về các chợ đầu mối, kho tập kết rồi bán cho các đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn hàng lậu đến được tay người tiêu dùng, các đối tượng vẫn phải vận chuyển trên các tuyến giao thông. Chính vì vậy, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trên các tuyến giao thông là biện pháp để chặn đứng dòng chảy hàng lậu, hàng cấm.
Mới đây, vào khoảng giữa tháng 12-2018, Cảnh sát môi trường phối hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội phát hiện một đường dây vận chuyển thực phẩm bẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Sau một thời gian theo dõi, đêm 28, rạng sáng 29-12, trinh sát phát hiện ô-tô BKS 89C - 17244 chở thực phẩm bẩn trên đường di chuyển về Hà Nội, cho nên đã báo cáo chỉ huy đơn vị triển khai kế hoạch bắt giữ. Tuy nhiên, khi thấy tín hiệu của CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra, các đối tượng đã tăng ga lao thẳng xe vào xe của cảnh sát để bỏ chạy. Lực lượng chức năng truy đuổi, nhưng xe ô-tô của các đối tượng không hề giảm tốc độ. Chạy được khoảng 10 km, khi các đối tượng đến trước nhà số 402 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, cán bộ của chốt CSGT khác được giao nhiệm vụ phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chặn bắt, buộc các đối tượng phải xuống xe. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 50 thùng xốp chứa tổng cộng 2,5 tấn nầm động vật. Dù đã được bảo quản đông lạnh, nhưng khi mở các thùng xốp vẫn xộc mùi hôi thối. Trên mỗi tảng nầm động vật đều xuất hiện những đốm mốc mầu xanh và còn nguyên tem dán trên các tảng nầm được viết bằng chữ Trung Quốc. Lái xe Đặng Quang Giáp, 31 tuổi và phụ xe Lương Đình Tuyền, 26 tuổi, cùng trú tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) khai nhận, được thuê vận chuyển hàng từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cho biết, thông thường, dịp cuối năm là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thu lời lớn. Do thói quen mua hàng từ những người không có địa điểm kinh doanh cố định, không có địa chỉ rõ ràng, người tiêu dùng sẽ dễ mua phải hàng lậu, không bảo đảm chất lượng.
Để ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm hoành hành dịp cuối năm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm soát tại các cửa khẩu, tuyến địa bàn trọng điểm, chủ động phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng chốt chặn tại các đường mòn, lối tắt. Theo số liệu thống kê, từ ngày 16-12-2017 đến 15-12-2018, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng cộng 16.401 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Số thu ngân sách nhà nước đạt 324,12 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã ban hành 62 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố 133 vụ. Điển hình như, ngày 6-12-2018, Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Lào Cai - Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp có hành vi kinh doanh hàng tạm nhập-tái xuất không phù hợp pháp luật Việt Nam. Hàng hóa vi phạm gồm 15.996 tấn phân bón DAP do Trung Quốc sản xuất, trị giá hàng hóa vi phạm 6.352.272 USD. Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động của các đội kiểm soát hải quan trong công tác sưu tra nắm tình hình, phối hợp các chi cục hải quan trong ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hàng hóa nhập lậu; đồng thời, xử lý nghiêm minh các ổ, nhóm buôn lậu, góp phần giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
LÊ TÚ, HÙNG TRÁNG và VĨNH KHANG
Theo nhandan.com.vn