Cập nhật: 17/01/2019 15:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2019, ngành Thanh tra sẽ triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; về chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở và thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở sản xuất lạp xưởng. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành Thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, tổ chức tại Hà Nội, chiều 16/1.

Năm 2019 sẽ triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng trong một số lĩnh vực y tế, giáo dục

Theo báo cáo, năm 2019, toàn ngành Thanh tra sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Ngành sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Năm 2019, ngành Thanh tra sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; về việc thực hiện Quyết định 118 ngày 27/2/1996; Quyết định 117 ngày 25/7/2007 và Điều 3 Quyết định 20 ngày 3/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở. Thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Ngành cũng tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Với công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra sẽ tập trung triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); xây dựng, ban hành các Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, ngành thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Ngoài ra, ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo phương châm hành động của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả.”

Phát hiện vi phạm kinh tế hơn 33.800 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2018, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, toàn ngành đã tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, xử lý sau thanh tra. Kết quả thanh tra đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng.

Nhờ vậy, tỷ lệ các cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận giảm; chất lượng các kết luận thanh tra được nâng lên; nhiều vi phạm pháp luật đã được phát hiện, kiến nghị xử lý, chấn chỉnh, khắc phục.

Năm 2018, toàn ngành đã triển khai hơn 7.100 cuộc thanh tra hành chính và hơn 219.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33.800 tỷ đồng, hơn 33.900 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 29.700 tỷ đồng, 1.007 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 4.000 tỷ đồng, hơn 32.900 ha đất.

Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.076 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 59 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Kết quả 25 cuộc Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận đã phát hiện vi phạm số tiền hơn 12.490 tỷ đồng, 23.918 ha đất; kiến nghị thu hồi 11.761 tỷ đồng, 278 ha đất; kiến nghị, xử lý khác 729 tỷ đồng; đất 23.790 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 vụ.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: vụ Mobifone mua AVG, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra đã có những tiến bộ đáng kể. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.007 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 13.223 tỷ đồng, đạt 85%, (tăng 22% so với năm 2017), 339 ha đất (đạt 48%), đôn đốc xử lý 1.426 tập thể, 3.747 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 149 vụ (tăng 133 vụ), 31 đối tượng.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Kiểm tra nội bộ, phát hiện 13 vụ liên quan đến tham nhũng

Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Ý thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên.

Trong năm 2018, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 394.224 lượt công dân với 271.249 vụ việc, trong đó có 4.475 đoàn đông người; giải quyết 23.573/28.162 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân gần 3.000 tỷ đồng đồng, 100 ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.505 người, kiến nghị xử lý hành chính 469 người, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 8 đối tượng.

Toàn ngành còn nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Điển hình như: dự án mở rộng Quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 18, tỉnh lộ 861; Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh); Cụm dân cư khu thương mại mở rộng Cai Lậy (Tiền Giang).

Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, toàn diện, có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Ngành Thanh tra đã thực hiện cơ bản tốt các nhiệm vụ: tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là về nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tham nhũng. Trên một số lĩnh vực tham nhũng từng bước được kiềm chế.

Theo báo cáo, trong năm 2018, đã phát hiện 39 đơn vị có vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch; xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; xử lý 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người đã bị xử lý hình sự; 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện 3 “trụ cột chính” là thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định.

“Hầu hết các địa phương được thanh tra, kiểm tra, giám sát đều có tình trạng này”, báo cáo viện dẫn như các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Nam Định, Gia Lai, Quảng Ngãi, Cà Mau, Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp....

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Số vụ việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít so với thực tế vi phạm. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại./.

Theo TTXVN/VIETNAM+

https://www.vietnamplus.vn/nam-2019-se-thanh-tra-dien-rong-trong-mot-so-linh-vuc-y-te-giao-duc/548587.vnp

Tệp đính kèm