Mặt hàng rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới về doanh số xuất khẩu và tái lập kỳ tích vượt dầu thô trong xuất khẩu.
Từ vị trí xuất khẩu khiêm tốn, mặt hàng rau quả trở thành động lực mới cho phát triển nông nghiệp và nông thôn khi các ngành hàng khác đã tới hạn hoặc có dấu hiệu chững lại… Tính cả năm 2018, xuất khẩu rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới và vượt dầu thô trong xuất khẩu.
Mặt hàng rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới về doanh số xuất khẩu và tái lập kỳ tích vượt dầu thô trong xuất khẩu.
Cụ thể, nếu như năm 2016, kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD tăng 33,6% so với năm 2015, thì sang năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD tăng 42,5% so với năm 2016 và sang năm 2018 đạt 3,52 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2017. Mặc dù, trong tháng 12/2018 xuất khẩu mặt hàng rau quả chỉ đạt 262,3 triệu USD, giảm 10% so với tháng 11/2018.
Với trên 3,5 tỷ USD xuất khẩu năm 2018, mặt hàng rau quả đã vượt xa mặt hàng như chè, hạt tiêu và gạo. Đặc biệt là hạt tiêu - đã từng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản – đây là những thị trường đạt kim ngạch cao trên 100 triệu USD, trong đó Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn 73% đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017, riêng tháng 15,09% so với tháng 11/2018 nhưng so với tháng 12/2017 giảm 16,41%.
Nhận định về thị trường rau quả trong thời gian tới, Hiệp hội Rau quả cho rằng tiềm năng của thị trường thế giới cũng như sự thay đổi của chuỗi giá trị rau quả Việt Nam rất hứa hẹn. Ngay tại thị trường trong nước, với hệ thống rau quả ngày càng chuyên nghiệp, có truy xuất nguồn gốc nhãn mác cung ứng cho các đô thị lớn đang tăng trưởng rất nhanh, đây là 1 tín hiệu đáng mừng, 1 bước tiến quan trọng để ngành rau quả đang chuyển sang hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo cung cho thị trường đô thị lớn, và xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP - đây là điều kiện tốt để tự do thông thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu - Công ty The Fruit Republic cho rằng, tuy Việt Nam đã có nhiều FTA nhưng cũng không dễ tiếp tục tăng tốc xuất khẩu rau quả.
Để mở cửa thị trường vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật khác mà Việt Nam còn phải đàm phán. Điển hình như chuối chưa được xuất khẩu sang Philippines, dừa chưa sang được Trung Quốc hay nhiều rau quả chưa sang được Nhật Bản vì các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Thách thức lớn nhất hiện nay là nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp và ngành chức năng làm sao xây dựng được các quy chuẩn sản xuất phù hợp cho các nông sản Việt Nam.
Với thành tích tăng trưởng xuất khẩu rau quả hơn 42%, cùng với mức kim ngạch kỷ lục hơn 3,5 tỷ USD của năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả cần nâng cao chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm để có mức giá cả cạnh tranh tại các thị trường truyền thống, từ đó, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị hàng hóa cao hơn. Song song với đó là việc tích cực khơi thông thêm nhiều thị trường mới./.
Theo PV/VOV.VN