Trong một buổi tối cuối năm, nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Anh Tuấn đã cùng TS Lê Hương Thủy (Viện Văn học) và TS Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm trong không gian sách của Nhã Nam nhìn lại không khí Tết qua một số tác phẩm văn chương, đặc biệt là trong văn chương giai đoạn những năm 40 – 50.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho biết, bản thân người Việt có một ý niệm rất thiêng liêng và gần gũi về chữ nghĩa trong văn học Tết, và gần như có hai dạng viết về Tết trong văn chương: một là ghi lại các phong tục Tết phong phú của người Việt, và một dạng gần như ghi các sự kiện trong dịp Tết. TS Lê Hương Thủy chia sẻ, theo như chị quan sát, trong các truyện ngắn của dòng văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn đã viết từ những tâm thức của cộng đồng, những buồn vui của cảnh ngộ, thí dụ như các tác phẩm của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Lê Lựu...
TS Hương Thủy phân tích: “Cách đây 40 năm, đã có những sáng tác tiêu biểu về cái Tết, trong đó có cả trải nghiệm qua những cảnh khốn khó, cảnh vật lộn với miếng cơm manh áo của nhiều tầng lớp trong đó có trí thức. “Người ngựa ngựa người” của Nguyễn Công Hoan là một trong những thí dụ tiêu biểu, để lại những dư vị của cuộc sống 30-40 năm trước. Các tác giả khác như Nguyễn Tuân, Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ đều có những tác phẩm thể hiện mong muốn của cá nhân, của cộng đồng cũng như những thực tế của xã hội thời đó. Lê Lựu có “Tết làng Mụa” gắn với giai đoạn chiến tranh, thể hiện mong muốn cái tết yên bình. Khi đất nước đã hòa bình, cái Tết trong văn chương lại gắn với những câu chuyện, mong ước khác. “Hai người đàn bà xóm Trại” của Nguyễn Quang Thiều hay “Lời thì thầm mùa xuân” của Nguyễn Thị Thu Huệ là những câu chuyện như vậy, về cuộc sống của đợi chờ, của sự trống vắng hình bóng người đàn ông khi cuộc chiến đã đi qua…
Bìa tết báo Nam Phong, năm 1918.
Tết trong văn chương cũng cho thấy sự chi phối mạnh mẽ của điều kiện xã hội, hoàn cảnh lịch sử. Các nhà văn đương đại có những trang viết về những niềm mong ước, đoàn tụ, hay về những phong tục tết đậm chất văn hóa vùng miền (Nguyễn Ngọc Tư), những cảm nhận của người trẻ với cách nhìn mới và tư duy mới. Nhưng dù văn cũ hay mới, nhà văn xưa hay nay cũng đều gặp nhau ở một điểm trong văn học Tết là tâm thức hướng vê cộng đồng, về nguồn cội, chuyển tải những vấn đề văn học của quá khứ, đương đại và chuyển tải cuộc sống hôm nay.
Cũng về văn chương tết, nhà nghiên cứu, phê bình Mai Anh Tuấn đã có một phân tích khá thú vị, là trong một tờ báo Tết năm 1943, quảng cáo bán cuốn “Thi nhân Việt Nam” đặt ngang hàng với các sản phẩm Tết khác như mứt ngọt, chè sen, mâm đèn…, với lời giới thiệu khá hấp dẫn, chứng tỏ thơ văn thời đó cũng được đánh giá ngang tầm với các sản phẩm thương mại.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cũng chia sẻ rằng, báo Tết là một trong những dịp quan trọng nhất để các nhà văn, nhà thơ công bố tác phẩm mới của mình. “Con gái Thủy thần” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng được giới thiệu trong báo xuân năm 1988. Rất nhiều truyện ngắn khác như “Không có vua”, “Mùa lá rụng trong vườn” cũng tương tự như vậy.
Nhà nghiên cứu, TS Trần Trọng Dương lại hướng cái nhìn về cái Tết trong văn chương cổ. Anh cho biết cách đây 100 năm có những biên khảo về phong tục tết của Đào Duy Anh, Nhất Thanh, Phan Kế Bính… như “An Nam phong tục”, “Đất lề quê thói”, “Việt Nam phong tục”… viết ra để chấn chỉnh đời sống văn hóa mới của người Việt, đề xuất những sinh hoạt văn hóa mới phù hợp với cộng đồng, nói lên những nỗ lực cải cách văn hóa trong quá khứ.
TS Trần Trọng Dương cũng phân tích, cách đây 100 năm, văn chương trở thành hiểu biết phổ biến, đi vào đời sống ngẫu nhiên như hơi thở, hiện hiện qua từng nét văn hóa cụ thể như xin – cho chữ, treo tranh Tết, thơ Tết, câu đối Tết…. Những nét văn hóa này không chỉ mang ý nghĩa văn chương mà còn đậm màu sắc tâm linh (câu đối thờ), chuyển tải ước vọng của người dân. Người Việt thực hành văn chương ngay trong đời sống.
Điều này đặt ra một vấn đề là chúng ta vẫn có thể gìn giữ những tập tục tốt đẹp của cha ông xưa như giữ cái Tết truyền thống chứ không bỏ, theo như TS Trần Trọng Dương nói, “Cả một dải Đông - Nam Á ăn Tết Nguyên đán, cớ sao chúng ta lại bỏ?”, và thay vì tặng phong bao lì xì cho trẻ nhỏ, hay thay vì tặng câu đối Tết như thời xưa, chúng ta có thể chọn lựa những cuốn sách hay, sách tốt để làm quà Tết và nhân rộng ra để trở thành một thói quen đẹp trong ngày Tết.
Theo TUYẾT LOAN/baonhandan.com.vn