Du xuân, ông bạn thân Đặng Trọng Hộ là một người đam mê dân tộc học, rủ rê: “Về buôn chơi năm mới với anh em dân tộc thiểu số đi!” Thế là lên đường. Đích đến là plei Diom A ở vùng Lạc Xuân, Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi ấy chúng tôi có những người anh em Chu Ru hồn hậu, thông thái và lịch lãm…
Nghệ nhân Ma Bio người Chu Ru gõ nhịp chiêng Ba.
Trong sân ngôi nhà tổ của dòng họ Touneh, một dòng họ nổi tiếng có ông Touneh Hàn Đăng - vị quan Huyện Thượng nổi tiếng hồi đầu thế kỷ trước, cây nêu đã dựng, củi lửa đã chuẩn bị, những chóe rượu cần đã được xếp trải dài. Người Chu Ru đón mừng năm mới bắt đầu bằng lễ Hamamơkhi, lễ đoàn tụ họ hàng và tưởng nhớ tổ tiên. Già làng, các nghệ nhân dân gian cùng bà con trong buôn, trong họ đã có mặt đông đủ. Touneh Hàn Xuân, cô bạn giáo viên Trường PTTH Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt cũng dẫn những đứa con hành hương về vui lễ. Xuân nói với tôi rồi cười vui vẻ: “Em là gái Chu Ru bắt chồng người Kinh. Vậy là mỗi năm nhà em được ăn đến mấy cái Tết, Tết nào cũng vui, cũng ấm áp”. Ông Nguyễn Khắc Vinh, cán bộ văn hóa xã Lạc Xuân, nói rằng: “Đồng bào Chu Ru ở Đơn Dương ăn Tết Dương lịch rồi đến Nguyên đán chung với đồng bào Kinh từ nhiều năm rồi. Tết nào chúng tôi cũng tổ chức hội Xuân chung cả cộng đồng và tổ chức tặng quà, chúc Tết nhiều gia đình đồng bào sản xuất giỏi, gương mẫu và các vị già làng, nhân sĩ, trí thức…”.
Lời khấn của già làng đã thấu tận Yàng. Rồi những chóe rượu cần thơm nức hương núi rừng cũng mở ra. Những món ăn truyền thống như xôi ống, thịt nướng, canh da trâu nấu với cà đắng, rau rừng đã dọn. Ngày đầu năm mới rạo rực buôn làng bởi âm thanh của tiếng trống sơgơl trong nhịp tay điêu luyện của nghệ nhân Ma Cong, tiếng chiêng ba dìu dặt của nghệ nhân Ma Bio, tiếng kèn kwào thao thiết của già làng Ya Thin, tiếng sáo tenia réo rắt của ông Ya Has. Những chàng trai cô gái Chu Ru như quấn quyện vào nhau bởi nhịp điệu bàn chân, uốn lượn bàn tay khi vũ điệu tămya - ariya quay tròn bên bếp lửa, quay tròn mãi mãi theo dòng mẫu hệ. Về plei Chu Ru trong những ngày đón mừng năm mới, cùng vui lễ Hamamơkhi với đồng bào quả thật vô cùng thú vị…
***
Đi chơi Xuân năm nay mà nhớ lại, trong những ngày Tết cổ truyền năm trước, chúng tôi đã về thị trấn xã Lát của huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Đây là vùng đất đẹp tươi dưới chân núi Lang Bian, nơi tụ cư của đồng bào Cơ Ho. Hòa vào dòng xe cộ ngược xuôi, chúng tôi ghé thăm những ngôi nhà sàn khang trang bên đường. Thật vui khi được chứng kiến không khí rộn ràng trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đang cùng chia sẻ với cộng đồng người Kinh niềm vui đón Tết. Nhà nào cũng trang hoàng đẹp đẽ. Cây nêu, rượu cần, hoa cảnh, mứt kẹo, trà thơm đãi khách. Mọi người chúc nhau và chúc chúng tôi những lời thật đẹp. Ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt đã trở thành ngày hội sẻ chia, ngày hội vui, dịp thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày cật lực mưu sinh của toàn thể cộng đồng…
Nhà K’razăn K’Plin ngày Tết thật vui vì được đón rất nhiều khách quý. Chàng trai núi tài ba vừa viết nhạc, vừa làm thơ, vừa là ông chủ của một sân khấu cồng chiêng khá nổi tiếng này bắt tay chúng tôi thật chặt và mời vào chiếu rượu. “Uống với nhau một tí cho năm mới may mắn! Tết mà...”, K’Plin nói.
Dưới mái nhà sàn, bên chóe rượu cần và bếp thịt nướng, chúng tôi cảm nhận được không khí gắn kết và đầm ấm. Khách của nhà K’Plin hôm ấy có linh mục chánh xứ giáo phận Lang Bian, có mục sư đến từ buôn Bneur C, có già làng của buôn Đăng Ya và rất nhiều những người bà con bên nội, bên ngoại đến từ vùng Đầm Ròn. Đặc biệt, gia đình anh được đón những vị khách quý từ phương xa đến, đó là gia đình Tiến sĩ văn hóa học Lê Thị Vân từ Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Đêm mồng hai Tết, giữa sân nhà K’Plin là một bếp lửa rực hồng. Quanh bếp lửa ấy là những chàng trai, cô gái Cơ Ho trong sắc mầu thổ cẩm khỏe khoắn, tươi trẻ. Rượu cần, lửa, những vũ điệu, những khúc dân ca Tây Nguyên và âm thanh của dàn chiêng quý làm cho tâm hồn của chủ và khách như rạo rực hơn, hòa vào sinh khí tốt tươi của xứ đại ngàn. Duy, cậu con trai của Tiến sĩ Vân đang làm việc trong ngành du lịch, nói rằng: “Cái Tết này là một ấn tượng khó quên đối với cháu. Trong hành trang văn hóa của cháu có thêm vài trang đẹp từ chuyến trải nghiệm thú vị này…”.
Thạc sĩ Đặng Trọng Hộ nhận xét: “Hoàn cảnh kinh tế - xã hội chuyển một bước căn bản theo chiều hướng phát triển đi lên, kéo theo đó là sự biến đổi của một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội. Đặc biệt, sự xen cư giữa các sắc tộc đã tạo nên quá trình giao lưu, tiếp biến các yếu tố văn hóa của các dân tộc khác nhau một cách tự nhiên. Khi đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa tổ chức các lễ hội của họ thì người Kinh cũng hòa nhập và chia sẻ. Tết Nguyên đán vốn là cái Tết cổ truyền của dân tộc Kinh giờ đây đã trở thành dịp vui chung của cả cộng đồng. Theo tôi, đó là một nét đẹp, một sự hòa hợp rất giàu ý nghĩa”.
Chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm đó của Thạc sĩ Hộ. Ở Tây Nguyên có hơn 20 dân tộc anh em hợp cư, sinh sống. Trong đó, riêng các dân tộc bản địa chia làm hai nhóm chính theo ngữ hệ, đó là nhóm Môn - Khơmer và nhóm Mã Lai - Đa Đảo. Cùng với họ là những cư dân thiểu số từ phía bắc mới đến nhập cư sau ngày nước nhà thống nhất thuộc nhóm Thái - Tày như đồng bào Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Mông…Tại Lâm Đồng, trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơmer và Mã Lai - Đa Đảo thì các dân tộc như Cơ Ho, Mạ, Chu Ru có vị trí lịch sử đặc biệt, có quá trình giao thoa văn hóa sâu đậm với người Kinh, trong đó có “văn hóa Tết”. Phân tích thêm, có thể nói rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số với hệ thống tín ngưỡng đa thần trong niềm tin tuyệt đối các vị Yàng, họ chỉ tổ chức các nghi lễ chuyển tải các thông điệp thiêng liêng gửi gắm đến thần linh. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, “ngày Tết cổ truyền” chính là lễ hội kết thúc chuỗi các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Trong chu trình nghi lễ nông nghiệp của người Cơ Ho thì Nhô Lirvong tức là “uống mừng đậy kín bồ lúa” là dịp lễ kết thúc mùa màng, là cái Tết thật sự của đồng bào. Tương tự, đồng bào Mạ lại gọi nghi lễ kết thúc những ngày đồng áng ấy là Nhô Rhe, tức là “mừng lúa mới”, họ cũng tổ chức Sa rơpu (ăn trâu) và diễn ra trong bảy ngày, bảy đêm. Người Chu Ru thì ăn Tết mừng lúa về nhà với tên gọi là Mơnhum Hơma. Trong văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, Tết cổ truyền của họ chính là những lễ nghi nông nghiệp và những ngày lễ hội cổ truyền mang sắc mầu văn hóa tộc người.
Nối vòng xoang bên ngọn lửa ấm.
Thế nhưng, điều kiện sống, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đồng bào đã có nhiều đổi khác. Từ quá trình xen cư và cộng hưởng văn hóa với người Kinh trong nhiều năm qua, nên hầu hết các dân tộc anh em gốc bản địa Tây Nguyên đã biết đón Tết và tổ chức vui Tết. Quá trình cộng cư hòa cảm ấy giúp đồng bào hiểu rằng, cái Tết của người Kinh là một sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu biết, sẻ chia và yêu thương nhau nhiều hơn. Nhưng phải hiểu rằng, cách đón Tết của đồng bào thiểu số không hoàn toàn “Việt”. Họ đã tiếp nhận yếu tố “hội” trong cái Tết Nguyên đán chứ không tiếp nhận yếu tố “lễ”. Ngày Tết, họ cũng qua thăm nhà và chúc tụng lẫn nhau, trẻ con được cho quà bánh, được mặc áo mới, được đến các điểm vui chơi cộng đồng. Tết đối với họ là dịp nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi sau một năm mưu sinh cực nhọc. Những yếu tố đó cũng chính là nhu cầu nảy sinh và tồn tại ngay trong lòng cộng đồng các dân tộc thiểu số…
Có thể nói thêm, cây lúa cùng chuỗi nghi lễ nông nghiệp với những “năm ăn tháng uống” vẫn tồn tại nhưng giờ đây, cây công nghiệp với đặc điểm thời vụ và phương thức canh tác hoàn toàn khác đã phổ biến trong vùng Tây Nguyên. Mùa vụ, thời gian thu hoạch, quá trình lưu chuyển sản phẩm cũng như thu nhập đã khác, cái khác ấy có chung hoàn cảnh với cả cộng đồng. Vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chia sẻ niềm vui trong cái Tết Nguyên đán là điều không mấy khó hiểu.
***
Văn hóa không phải là sự áp đặt, sức lan tỏa và phổ biến của nó là quá trình vận động theo điều kiện sống và theo quy luật khách quan. Cùng với những nét đặc trưng của mỗi tộc người, bước phát triển đi lên của cuộc sống đã tạo nên một quá trình giao lưu văn hóa thật thú vị và giàu ý nghĩa. Ngày Tết Nguyên đán đã là ngày vui chung của cộng đồng. Mời bạn lên với những người anh em Tây Nguyên cùng hòa chung không khí đón mừng năm mới với cây nêu trang trí rực rỡ, với bếp lửa đêm rừng rạo rực cùng tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã và hòa vào vòng xoang quấn quyện tình thân.
Theo UÔNG THÁI BIỂU/nhandan.com.vn