Lần đầu tiên xuất hiện trở lại sau 60 năm, bản “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” đã khiến nhiều người chờ đợi, thậm chí kỳ vọng.
Tầm này năm ngoái, sau khi ra mắt bộ sách “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” với sự góp mặt của các họa sĩ đương đại, họa sĩ Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty sách Đông A nhận được một lời gợi ý làm một cuốn Sách Tết. Từ gợi ý này, họa sĩ Trần Đại Thắng đã bắt tay vào thực hiện cuốn “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”. Cùng với việc nhờ nhà văn Hồ Anh Thái lo phần nội dung, họa sĩ Trần Đại Thắng đã tổ chức đội ngũ các họa sĩ vẽ minh họa cho cuốn Sách Tết.
“Sách Tết Kỷ Hợi 2019” gồm tám phần: Văn, Thơ, Nhạc, Sử, Cổ tích, Bình thơ, Góc nhìn, Vĩ thanh với sự tham gia của các tác giả: Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Vân Long, Đoàn Lê, Trịnh Bách, Ngô Bảo Châu, Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Phạm Hà Hải… Cầm cuốn “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” trên tay có thể cảm nhận được không khí ngày Tết ngay từ trang bìa được thiết kế với cảm hứng, ý tưởng từ dòng tranh Đông Hồ truyền thống nhưng mầu sắc tươi tắn, bố cục sinh động mang nhiều nét hiện đại.
Hình thức xuất bản Sách Tết không phải là mới, mà đã từng được giới xuất bản ở nước ta tiến hành từ hồi đầu thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng, thú đọc và chơi sách Tết chưa hẳn là một truyền thống của người Việt, vì khi nói tới “truyền thống” thì phải là một quá trình kéo dài mấy trăm năm. Tuy nhiên, đây là một nét rất độc đáo của ngành xuất bản Việt Nam. “Sách Tết, không đơn thuần là khuyến khích văn hóa đọc mà để chúng ta lắng lại và cảm nhận không khí Tết cổ truyền với những giá trị bất biến. Có những phong tục, có những hương vị Tết từ lâu đã mai một hay thậm chí không còn được lưu giữ nhưng từ sâu thẳm người Việt ta vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống trong ngày Tết. Đó là điều đáng quý”- nhà nghiên cứu Trịnh Bách bày tỏ.
Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” là sự nối dài một nét đẹp của văn hóa Việt, đặc biệt là có sự đóng góp của nhiều bạn trẻ. “Sự lựa chọn các môtíp của tranh Đông Hồ để làm bìa là một sự lựa chọn chính xác. Đĩa mầu ngũ sắc của Đông Hồ cho ta cảm giác tưng bừng ngày xuân, nhắc nhớ ta về những phiên chợ Tết xưa”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, không thể so sánh Sách Tết xưa với Sách Tết nay. Bởi mỗi thời có một cách. Sách Tết của của cụ thời xưa, giờ xem lại, thấy vẫn có cái duyên riêng. Và bây giờ thế hệ đi sau làm Sách Tết cũng có nét duyên của mình khi tiếp cận với văn hóa nhân loại được nhanh hơn, góp phần nâng cao hơn thẩm mĩ mới của người đọc.
Theo HOÀNG THU PHỐ/nhandan.com.vn