Năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An bắt giữ 26 đối tượng và khởi tố 16 vụ liên quan đến hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.
Tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), sau mỗi đợt Tết, hàng chục chị em ở các bản vùng sâu, đặc biệt chị em người dân tộc Khơ Mú thường vắng nhà, sau đó một thời gian dài mới có thông tin là họ đã bị lừa bán sang Trung Quốc.
Cách đây 3 năm, cùng vào dịp Tết, Pịt Thị Phuôn lúc đó mới 18 tuổi, trú bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, đã theo một người cùng bản sang Trung Quốc lấy chồng.
Bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, nơi có nhiều chị em nghi bị bán sang lấy chồng Trung Quốc.
Theo lời khai báo của Pịt Thị Phuôn, đối tượng đưa đi là Cụt Thị Hoa ở cùng bản và hứa sẽ được 100 triệu đồng để gửi về cho bố mẹ. Tại cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Cụt Thị Hoa cho biết, bố mẹ Phuôn tự lên hỏi Hoa, xin Hoa cho Phuôn sang bên Trung Quốc lấy chồng. “Hỏi đến lần thứ 3 tôi mới xuống nhà Phuôn để bàn bạc số tiền 120 triệu thì tôi đưa đi. Tôi đồng ý. Không phải tôi bắt buộc, lấy chồng được tháng rưỡi Phuôn trốn đi, bố mẹ chồng tôi phải trả lại tiền cho nhà ấy. Sau đó Phuôn lấy người chồng thứ 2 rồi đẻ một đứa con gái, hắn gửi con lại cho tôi rồi lại trốn. Lần thứ 2 gia đình tôi phải trả lại tiền cho bên chồng hắn”- Hoa khai báo.
Ông Lương Thịnh Vượng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết: hiện trên địa bàn xã có hơn 200 người nghiện ma túy và nhiều đối tượng đi tù. Do đó, những người vợ của họ phải tìm hướng làm ăn xa nhà và vô hình chung bị bán đi mà không nhận thức ra vấn đề. Đến nay, ở xã Chiêu Lưu nay có hơn 60 người lấy chồng Trung Quốc.
“Trên địa bàn xã Chiêu Lưu, cứ khoảng 10 người phụ nữ đi sang Trung Quốc thì có 9 người có chồng đi tù hoặc chồng nghiện ngập. Nhiều trường hợp, chồng nghiện đập phá hết tài sản, 2 mẹ con đành phải sang Trung Quốc”- ông Lương Thịnh Vượng nói.
Ông Lương Thịnh Vượng, Chủ tịch xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn giãi bày nguyên nhân chị em bỏ bản đi tìm chồng xứ người.
Bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn chia sẻ, nhiều chị em tự nguyện đi kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng sau đó bị bán mà không biết. Có trường hợp bị bán đi, sau đó lại trở về quê, lại rủ rê người khác. Vì vậy, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức. Bà Vũ Thị Huyền, cho biết các cấp hội đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cảnh báo chị em không để kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ lôi kéo bán sang bên kia.
“Huyện hội Phụ nữ bám sát cơ sở, phân công cán bộ liên tục xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, tổ chức các hoạt động, chuyên đề. Đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cựu chiến binh và đoàn thanh niên tới các gia đình để tuyên truyền vận động họ. Phân công cán bộ cùng ăn cùng ở với bà con, với hy vọng một số bộ phận nhân dân không tiếp tục nữa.”- bà Huyền cho biết.
Tỉnh Nghệ An hiện có 263 phụ nữ, trẻ em tại các huyện miền núi vắng mặt lâu ngày tại địa phương và nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, việc buôn bán phụ nữ và trẻ em không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức truyền thống, đạo lý dân tộc.
“Mặt trận cũng phối hợp với các tổ chức thành viên hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được pháp luật, đồng thời có những hoạt động để họ không tham gia vào vấn đề buôn bán người cũng như buôn bán bào thai. Đặc biệt, những người tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc vận động tuyên truyền để họ vừa tố giác tội phạm nhưng đồng thời cũng tuyên truyền cho mỗi người dân có những hiểu biết về vấn đề này”- ông Nguyễn Ngọc Nguyên nói./.
Theo Quốc Khánh/VOV.VN