Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đáng chú ý, cơ quan chức năng vừa phát hiện nhiều đối tượng dụ dỗ phụ nữ mang thai qua biên giới để bán bào thai. Hiện tượng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người.
Điển hình như vụ việc mới xảy ra tại Nghệ An. Công an địa phương này đã liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm dụ dỗ đưa phụ nữ đang mang thai sang nước ngoài để bán lấy tiền. Chỉ tính riêng năm 2018, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện gần 20 vụ mua bán người, giải cứu khoảng 40 nạn nhân. Trong đó, có những vụ mua bán bào thai, người phụ nữ có thai từ sáu đến tám tháng bị đưa sang Trung Quốc, khi sinh con ra bị bán từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Như trường hợp của chị H. huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) từng sang Trung Quốc bán bào thai. Theo lời kể của chị, khi mang bầu ở tháng thứ tám, chị được một phụ nữ lạ mặt bắt chuyện. Sau vài lần đến nhà chơi, người phụ nữ này đặt vấn đề với chị H. về việc có người muốn mua con của chị. Do cuộc sống khó khăn, được hứa hẹn sẽ có một khoản tiền lớn, lại nghĩ rằng đứa bé sẽ may mắn khi được lớn lên ở gia đình khác có điều kiện tốt hơn nên chị H. và chồng đã đồng ý. Ngay sau đó, người phụ nữ lạ mặt đưa chị H. di chuyển bằng xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đi qua đường tiểu ngạch đi vào sâu trong nội địa Trung Quốc để thực hiện việc mua bán bào thai. Trước đó, từ tháng 1-2017, tại TP Móng Cái, Công an thành phố đã bắt giữ P.N.A (trú tại TP Hồ Chí Minh) có hành vi mua bán bào thai. Trong lúc định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để thực hiện hành vi này, A. đã bị lực lượng công an ngăn chặn.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, các đối tượng có hành vi mua bán bào thai thường nhắm đến những phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là những phụ nữ quá lứa, lỡ thì, các cô gái có hoàn cảnh éo le. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, giữa các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện tại trong luật lại chưa có khung pháp lý về việc mua bán bào thai cho nên lực lượng công an gặp khó khăn trong công tác xử lý. Tháng 6-2018, Công an tỉnh Nghệ An nhận được đơn tố cáo của anh T. (trú tại huyện Kỳ Sơn) đối với hai mẹ con Moong Thị Hiền và Moong Thị Ba, trú cùng bản về việc dụ dỗ vợ anh là chị T., đang mang thai sang Trung Quốc sinh rồi bán con sẽ trả 60 triệu đồng, nhưng thực tế đến nay chỉ mới nhận được hơn 10 triệu đồng. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, nạn nhân là đứa con chưa sinh nở, việc đẻ xong rồi bán ở bên kia biên giới cũng chỉ được xác định qua lời khai chứ không xác định được bị hại. Ngoài ra, tài liệu về việc người phụ nữ mang thai xuất cảnh cũng không lưu lại vì đi qua đường tiểu ngạch, cho nên không có căn cứ để xử lý hình sự. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao để xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai.
Để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán bào thai, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán bào thai. Đẩy mạnh việc thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa. Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh của công dân, phối hợp lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Cùng với đó là rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Trung Quốc, phối hợp giải quyết, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, mua bán bào thai và các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo NGỌC QUỲNH/nhandan.com.vn