Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Quốc gia Novosibirsk vừa thử nghiệm động cơ đốt trong đầu tiên trên thế giới được chế tạo hoàn toàn bằng nhôm. Những kết quả thử nghiệm thu được sẽ giúp các nhà khoa học thiết kế ra loại động cơ có kích thước nhỏ hơn để sử dụng trong các máy bay dân dụng và quân sự.
Nga thử nghiệm động cơ nhôm đầu tiên trên thế giới
Theo TASS, chiếc động cơ có trọng lượng khoảng 200kg, sử dụng loại nhiên liệu xăng tiêu chuẩn và dự kiến sẽ được lắp lên một chiếc máy bay Yak-52 hai chỗ ngồi.
Giáo sư Ilya Zverkov, Chủ nhiệm Khoa Máy bay của trường ĐH Novosibirsk cho biết: "Từ các lỗi thiết kế phát hiện được trong các cuộc thử nghiệm, chúng tôi sẽ thiết kế ra một chiếc động cơ khác có kích thước nhỏ hơn. Chúng tôi không từ bỏ những ý tưởng cơ bản và nhiệm vụ đặt ra là phải đạt được những đặc tính về công suất và độ bền của động cơ". Ông nói thêm rằng chiếc động cơ cải tiến sẽ được thiết kế và đưa vào thử nghiệm vào mùa hè năm nay.
Theo thông tin từ văn phòng báo chí của trường, tất cả những chi tiết cơ bản của loại động cơ mới sẽ đều được đúc bằng nhôm từ Novosibirsk, giúp các nhà khoa học không phải sử dụng các bộ phận nhập khẩu mà họ từng phải dùng trong động cơ thử nghiệm. Đồng thời, nhờ vậy loại động cơ này cũng sẽ được sử dụng trong các máy bay của lực lượng Không quân Nga.
Hiện nay, nhôm đã được sử dụng nhiều trong các động cơ máy bay và ô-tô nhưng những phần quan trọng của động cơ, có cường độ hoạt động cao, vẫn phải chế tạo từ thép. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở trường ĐH Novosibirsk đã áp dụng công nghệ ô-xy hóa điện phân plasmar, nhờ đó hình thành một lớp ô-xít nhôm mỏng có độ bền và khả năng chịu nhiệt trên bề mặt của các chi tiết. Bởi vậy, các bộ phận động cơ được xử lý bằng công nghệ này có thể thay thế các bộ phận bằng thép trọng động cơ.
Việc sử dụng nhôm thay vì thép trong động cơ sẽ cho phép các nhà khoa học giảm được trọng lượng của động cơ từ 30 đến 40% so với các động cơ bằng thép tiêu chuẩn có cùng công suất. Đồng thời, công suất định mức của động cơ mới có thể tăng thêm 40 sức ngựa, đạt mức 400 sức ngựa trong khi lượng tiêu thụ nhiên liệu có thể giảm tới 15%.
Theo THẢO NGUYÊN/nhandan.com.vn