Cập nhật: 30/01/2019 15:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa xuân đang về với đất trời và con người Xứ Lạng, mang theo hương sắc của núi rừng và tình cảm con người nơi biên cương Tổ quốc.

Khi những cánh hoa đào khoe sắc báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc đồng bào Tày ở Lạng Sơn nhộn nhịp đón Tết. Đối với người Tày, Tết Nguyên Đán là lễ Tết quan trọng nhất trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng nhiều bản sắc văn hóa và phong tục ngày Tết của đồng bào nơi đây vẫn được bảo tồn, gìn giữ.

Người Tày ở huyện Văn Lãng, Lạng Sơn ăn Tết trùng với Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc. Trong các nghi thức ngày Tết, cúng gia tiên chiều tối 30 và sáng mùng 1 là nghi thức quan trọng nhất của người Tày. Vì thế, Tết là những ngày bận rộn nhất. Chủ nhà sẽ dâng lên ban thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc như: Bánh chưng dài, con gà, rượu men lá, bánh khẩu sli, pênh khô, bánh khảo…

Bàn thờ người Tày với những lễ vật cầu mong năm mới sung túc, đầy đủ

Ông Hoàng Mỹ Làn, xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng cho biết: Theo phong tục của người Tày, ngoài 2 ban thờ chính là bàn thờ gia tiên và Phật Bà Quan Âm, gia đình nào có ông Mo và bà Then sẽ có thêm bàn thờ Mè Nàng.

“Bàn thờ có bao nhiêu bát hương khi làm lễ nhập đàn sẽ có bấy nhiêu sư phụ. Mỗi sư phụ sẽ hướng dẫn một nghiệp. Có vị sẽ hướng dẫn về múa, có vị hướng dẫn về thanh nhạc, địa lý, lịch sử, đạo đức…”, ông Làn nói.

Cúng gia tiên tối 30 và sáng mùng 1- nghi thức quan trọng của người Tày trong ngày Tết

Nói về một trong những tục độc đáo của dân tộc mình vào ngày đầu năm mới, ông Hoàng Mỹ Làn cho biết, sáng mùng 1 Tết mọi người sẽ dậy sớm đi lấy nước tại một nơi có nước trong sạch và đặt cành lá đào lên trên bát nước vừa lấy về rồi dâng lên ban thờ: “Lá đào dùng để tẩy những gì không tốt, ô uế, xác lập lại bằng một nguồn nước thanh thủy. Các cụ dùng để rửa mặt, rửa tay từ ngày mùng 1 đầu năm mới vạn sự tốt lành, trong như nước nguồn này”.

Vào thời khắc giao thừa đón năm mới, người Tày sẽ thắp nén hương thơm, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên, sau đó rót rượu mời và chúc ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Ông bà cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hàng xóm láng giềng đi chơi chúc Tết lẫn nhau, ngâm những câu sli ngọt ngào với lời chúc tốt đẹp: gia đình năm mới hạnh phúc tràn đầy, làm ăn tấn tới. Họ cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và chúc cho năm mới sẽ có nhiều may mắn.

Chúc rượu ngày Tết.

Vào lúc cuộc trò chuyện vui vẻ, hứng khởi nhất, họ cùng nhau chơi trò “lảy cỏ” (tức là chơi chuyện). Âm thanh rộn rã của trò chơi, tiếng cười vui hòa cùng chén rượu nồng càng làm cho không khí ngày xuân trên các bản làng người Tày thêm rạo rực.

Chị Triệu Mộng Đẹp, một người dân ở xã Thành Hòa cho biết: “Trong ngày ăn Tết tháng Giêng, mọi người chúc nhau cả năm gặp nhiều may mắn, có nhiều sức khỏe, chúc nhau những lời tốt đẹp”.

Trong phong tục ngày Tết của người Tày Xứ Lạng, người ta không thể không nhắc và nhớ đến một loại hình văn hóa đặc sắc là múa Ky Lằn (còn gọi là múa lân). Đã từ lâu, Kỳ lân được người Tày xem là con vật thiêng liêng, được quý trọng và chào đón với một tình cảm đặc biệt. Người Tày quan niệm, gia đình nào được Kỳ lân vào nhà chúc Tết sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm mới.

Múa Ky Lằn- nét văn hóa độc đáo của người Tày.

Mùa xuân đang về với đất trời và con người Xứ Lạng, mang theo hương sắc của núi rừng và tình cảm con người nơi biên cương Tổ quốc. Những điệu hát sli ngọt ngào, những phong tục tập quán đặc sắc ngày Tết của cha ông vẫn được đồng bào nơi đây bảo tồn, trong niềm vui và ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, sum vầy./.

Theo Hồng Bắc - Đào Yến/VOV.VN

 

Tệp đính kèm