Cập nhật: 01/02/2019 10:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịp Tết Nguyên đán, số người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gia tăng đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Ðể hạn chế tình trạng này, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực…

Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Trần Hải

Vừa qua, tại Km 1934, quốc lộ 1, đoạn qua xã Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An), xe ô-tô đầu kéo BKS 62C-043.48 kéo rơ-moóc, BKS 62R-001.08 do Phạm Thanh Hiếu, ngụ tại ấp 1B, xã An Thạch (huyện Bến Lức, Long An) điều khiển va chạm vào 21 xe máy đang dừng đèn đỏ. Hậu quả làm bốn người chết, 16 người bị thương, hư hỏng 21 xe máy. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Phạm Thành Hiếu là 0,58 mg/lít khí thở, xét nghiệm nước tiểu là dương tính với hê-rô-in.

Trước đó, tại Km 198+200, quốc lộ 20, thuộc xã Liên Nghĩa (huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng), xe ta-xi BKS 49A-174.72 do chị Ðỗ Thục Hân, trú tại huyện Ðức Trọng điều khiển chở năm người va chạm với xe máy đi cùng chiều. Hậu quả làm ba người chết, bốn người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn chị Hân là 1,108 mg/lít khí thở. Tại Hà Nội, thời điểm sắp kết thúc năm 2018, ở đường Trích Sài, quận Tây Hồ, xe ô-tô BKS 29A-742.75 đi hướng Lạc Long Quân - Văn Cao, va chạm vào hai người đi bộ cùng chiều, sáu xe máy và hai xe ô-tô, làm bị thương năm người, hư hỏng nhiều phương tiện. Qua giám định ban đầu, người điều khiển ô-tô nêu trên sử dụng chất có cồn ở mức 0,7 mg/lít khí thở…

Theo đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, qua phân tích trong 14.636 vụ TNGT xảy ra vào năm 2016, có 447 vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn, chiếm 4,10%. Riêng chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán có 14 trong số 408 vụ TNGT liên quan việc vi phạm nồng độ cồn khiến chín người chết, 13 người bị thương. Năm 2017, phân tích trong 15.171 vụ TNGT, có 328 vụ do vi phạm nồng độ cồn, chiếm 2,16%.

Trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán có chín trong số 368 vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, khiến 11 người chết, bốn người bị thương. Năm 2018, qua phân tích 12.319 vụ TNGT trong đó có 414 vụ do vi phạm nồng độ cồn, chiếm 3,36%. Riêng bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán có ba trong số 227 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, khiến hai người chết, một người bị thương. Không chỉ gây TNGT, việc sử dụng quá nhiều rượu, bia cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau, án mạng, các vụ bạo lực gia đình và hàng chục loại bệnh nguy hiểm như ung thư gan, chảy máu dạ dày…

Theo Ðại tá Ðỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, để góp phần giảm số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, hằng năm, Cục CSGT ban hành nhiều điện, kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT của Cục và các địa phương mở các đợt cao điểm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên phạm vi toàn quốc; phối hợp các cơ quan báo chí mở đợt tuyên truyền rộng rãi về những tác hại, hệ lụy của việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục CSGT cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương như Quảng Ninh, Tây Ninh, Phú Thọ, Bình Ðịnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu; không ngừng học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn; phối hợp chặt chẽ các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động,… để xử lý nghiêm những lái xe chống người thi hành công vụ sau khi bị xử phạt do lỗi sử dụng rượu, bia. Qua đó, trong ba năm gần đây, đã có hơn 512 nghìn trường hợp người điều khiển phương tiện bị lực lượng CSGT ở các địa phương xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Vừa qua, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 5172/KH-C08-P1 chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội trên cả ba lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường sắt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong lĩnh vực đường bộ, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ được tập trung xử lý quyết liệt. Kế hoạch tổng kiểm soát xe tải, xe khách từ tám chỗ ngồi trở lên được chia thành ba đợt. Việc tổng kiểm soát xe ô-tô được thực hiện đối với xe từ tám chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô-tô vận tải hàng hóa có khối lượng từ năm tấn trở lên (bao gồm cả các xe đầu kéo sơ-mi, rơ-moóc, xe kéo rơ-moóc, xe chở công-ten-nơ, xe ô-tô xi-téc chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm) trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ 1 (từ Lạng Sơn đến TP Hồ Chí Minh). Hiện, kế hoạch này đang được lực lượng CSGT các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt.

Ủy ban ATGT quốc gia vừa phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) tiến hành nghiên cứu độc lập ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu, bia đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam. Qua nghiên cứu cho thấy có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc ATGT rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...

(Nguồn: Ủy ban ATGT quốc gia)

Theo THÀNH HIẾU ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm