Cập nhật: 01/02/2019 16:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào dịp cuối năm, những chiếc bánh chưng làng Đầm lại tỏa đi bốn phương mang không khí ấm cúng ngày Tết đến hàng vạn gia đình.

Anh Phạm Văn Thắng kiểm tra nồi bánh chưng trên bếp - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Những chiếc bánh chưng làng Đầm, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, đã nức tiếng gần xa từ lâu.

Nghề truyền thống

Cách thành phố Phủ Lý chừng 5 cây số, nằm trên đường về Vĩnh Trụ, làng Đầm đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Về làng Đầm những ngày này, vào thăm các gia đình chuyên gói bánh chưng phục vụ Tết, dễ dàng bắt gặp những bó lá dong chất đầy nhà, các lò luộc bánh luôn rực lửa, mùi thơm ngào ngạt của gạo nếp quện với nhân đỗ...

Gia đình anh Phạm Văn Chi và chị Phạm Thị Vững gói bánh chưng có tiếng ở làng. Mấy hôm nay, cả nhà anh 6 người tất bật từ lúc gà gáy sáng cho đến tối mịt.

“Đơn hàng dồn dập gửi về, có người đặt vài chục cái bánh, có người đặt cả trăm chiếc, nhà tôi làm không xuể. Chúng tôi phải nhờ thêm anh em trong làng đến làm giúp mới kịp giao bánh cho người mua”, anh Chi cho biết.

Bà Phạm Thị Tịnh, mẹ anh Chi, năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn thoăn thoắt gói bánh. “Gói bánh chưng là nghề truyền thống ở làng Đầm. Tôi cũng không biết làng nghề có từ khi nào. Chỉ nhớ ngày tôi còn nhỏ đã thấy ông cụ nhà tôi làm nghề này rồi. Tính đến đời con tôi thì nhà tôi đã có 5 đời làm nghề gói bánh chưng”, bà Tịnh nói.

Cả cuộc đời bà đã gắn bó với nghề làm bánh chưng. Những chiếc bánh chưng quen thuộc với bà đến mức một ngày bà không gói vài ba chiếc là chân tay buồn bực. Nhiều người dân trong làng phong bà là “nghệ nhân” gói bánh.

Theo bà Tịnh và nhiều người cao niên trong làng thì bánh chưng làng Đầm có hương vị riêng là do bánh được luộc bằng nước mưa. Mỗi gia đình làm bánh chưng đều có hai chiếc bể lớn đựng nước mưa để có nước luộc bánh quanh năm.

“Bánh chưng luộc bằng nước mưa khi chín có màu xanh của lá dong, giữ được mùi thơm của nạo nếp và nhân đỗ”, anh Chi chia sẻ.

Người làng Đầm rất cầu kì cho các khâu làm bánh từ chọn nguyên liệu, gói bánh cho đến luộc bánh. Gạo nếp phải chọn ở Hải Hậu (Nam Định), nhân đỗ ở Hưng Yên, lá dong loại bánh tẻ lấy bên huyện Duy Tiên cùng với đôi tay tài hoa của người làng Đầm đã tạo những chiếc bánh chưng nức tiếng bốn phương.

Có một điều thú vị là từ trẻ nhỏ đến người già trong làng khi gói bánh đều không dùng khuôn mà gói vo bằng tay, nhưng những chiếc bánh chưng vẫn rất vuông vắn, cái nào cũng giống nhau như cùng một khuôn.

Theo anh Chi, vào vụ bánh chưng Tết, mỗi gia đình gói bánh chưng trong làng xuất khoảng 1.000 bánh/ngày cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. Tính ra, cả làng cũng bán trên 1 vạn chiếc bánh mỗi ngày.

“Cả ba đứa con của tôi đều làm bánh chưng thành thạo, con trai tôi mới hơn 10 tuổi nhưng đã biết đến ngón nghề của ông cha. Cứ thế, bánh chưng làng Đầm truyền từ đời này sang đời sau”, anh Chi tâm sự

Gia đình chị Phạm Thị Vững gói bánh chứng phục vụ khách ngày Tết- Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

“Đỏ lửa” quanh năm

Bà Nguyễn Thị Lan, trưởng thôn cho hay, từ ngày ông Công, ông Táo lên chầu Trời, người làng Đầm bắt đầu vào vụ bánh chưng Tết. Các gia đình làm bánh đỏ lửa suốt ngày đêm, không khí trong làng lại khẩn trương, sôi động.

Lũ trẻ con tíu tít rửa lá, người già chẻ lạt buộc bánh, cánh đàn ông khỏe mạnh lo thổi lò, luộc bánh, còn các chị em phụ nữ thì luôn bận rộn cả ngày với việc vo gạo, làm nhân đỗ, gói bánh.

“Những ngày này, các nhà làm bánh chưng luôn rực lửa suốt ngày đêm. Vào ngày thường, cả làng chỉ có trên chục nhà quanh năm đỏ lửa làm bánh”, bà Lan nói.

Nhà làm bánh chưng có quy mô lớn nhất làng Đầm hiện nay phải kể đến gia đình anh Phạm Văn Thắng và chị Nguyễn Thị Phương. Năm nay đã bước sang tuổi ngũ tuần, anh đã có hơn 30 năm trong nghề.

Bước đến cổng nhà anh, những bó lá dong xếp đầy sân, ngó vào trong bếp, các lò than luôn rực hồng, anh  ngồi trông 3 nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm nồng.

“Cách Tết khoảng 4 ngày là thời điểm rộ nhất, cả ba lò nhà tôi đều phải hoạt động hết công suất. Ngày thường, chúng tôi cũng luôn đỏ lửa”, anh Thắng chia sẻ.

Vụ bánh chưng Tết năm nay, anh phải thuê thêm 4 người trong làng đến gói bánh. Cả nhà anh không lúc nào nghỉ tay. Bản thân anh phải luôn túc trực bên lò để đảm bảo lửa đều, nồi bánh chín đúng như ý.

“Lúc nào buồn ngủ thì mọi người trong nhà tranh thủ chợp mắt một chút. Thức trắng vài ba đêm làm bánh chưng ngày Tết để phục vụ khách hàng ở trong và ngoài tỉnh đã trở thành chuyện quen thuộc đối với gia đình tôi nhiều năm nay”, anh Thắng chia sẻ.

Ngày thường, gia đình anh mỗi ngày làm khoảng 200 chiếc bánh chưng bán cho các mối quen quanh vùng. Dịp Tết, nhà anh làm trên 1.000 cái mỗi ngày. 5 ngày làm bánh chưng Tết năm ngoái, anh bán trên 7.000 chiếc bánh, thu về trên 200 triệu đồng.

“Năm nào nhà tôi cũng không đủ sức làm bánh chưng bán phục vụ Tết cho các khách quen. Người mua về tận nhà tôi đặt bánh, họ cảm thấy rất vừa miệng khi ăn bánh chưng làm ở làng. Bánh chưng lành Đầm mang không khí ngày Tết đến những gia đình bằng các bếp lửa không lúc nào tắt”, anh Thắng nói.

Theo Nguyễn Thắng/baochinhphu.vn

 

 

Tệp đính kèm