Vào mỗi dịp giáp Tết, nhiều người dân Hà Nội cũng như du khách rất thích dạo vòng quanh những phiên chợ Tết. Dạo chơi vài phiên chợ để khám phá nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà thành dường như đã trở thành thói quen không thể bỏ của người Thủ đô.
Hà Nội có hàng chục phiên chợ truyền thống vẫn tồn tại như một nét văn hóa lâu đời.
Những phiên chợ ngày cuối năm là thời điểm tất bật, hối hả và nhộn nhịp nhất. Thường ngày, các chợ chỉ họp cách nhật, người đi chợ cũng thưa thớt. Thế nhưng, những ngày giáp Tết, tận dụng cơ hội buôn bán mỗi năm chỉ có một lần, các bà, các mẹ nhà ai có thứ gì đem thứ ấy ra trao đổi, mua bán. Hàng hóa chủ yếu là của nhà làm được, người bán rau, người bán gà, người bán chuối, người bán chè… Họ bán thứ mình có và mua thứ mình cần.
Vào những ngày này, Hà Nội có hàng chục phiên chợ truyền thống vẫn tồn tại như một nét văn hóa lâu đời. Chợ Nủa, nằm tại xã Bình Phú (huyện Thạch Thất), cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, là một trong số đó. Chợ nằm giữa cánh đồng lúa xanh mát, với mái lợp bằng cọ mang đậm chất thôn quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chợ Nủa thường họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch) hằng tháng, là nơi mua bán của người dân các xã Canh Nậu, Cần Kiệm, Chàng Sơn, Hữu Bằng, Phú Ổ, Thạch Xá… Ghé thăm chợ Nủa vào hai phiên họp ngày 22 và 27 tháng Chạp, du khách sẽ được hòa mình vào không khí Tết nhộn nhịp với nhiều mặt hàng đa dạng.
Bà Lê Thị Hoa (Chàng Sơn, Thạch Thất) cho biết, từ sáng sớm, chợ đã đông, ai cũng đến sớm để có chỗ ngồi bán hàng. “Mấy ngày này bán cái gì cũng nhanh, tranh thủ đi sắm đồ thì tôi hái một ít chè đem bán mà chỉ một lúc là hết sạch”, bà nói.
Có lẽ ít người biết, ngay giữa trung tâm TP Hà Nội, có một phiên chợ đã tồn tại hơn trăm năm nay. Theo thông lệ, cứ vào sáng 27 Tết, ngay trước đình Quan Nhân, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại diễn ra phiên chợ cuối năm và cũng là phiên chợ duy nhất được tổ chức. Người Quan Nhân gọi phiên chợ này là “Chợ 27”.
Đây là dịp để cho bà con quanh năm chỉ biết làm lụng được mua sắm, trao đổi hàng hóa. Mỗi năm, “Chợ 27” thu hút hàng nghìn người dân tham dự, vừa mua bán, vừa thưởng thức không khí cổ truyền, mộc mạc. Mọi ngả đường dẫn vào đình Quan Nhân trở nên tấp nập và nhộp nhịp người mua, kẻ bán. Thế nên, mặc dù chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ nhưng đối với người dân ở làng Mọc, đây là phiên chợ đặc biệt. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết.
Ông Nguyễn Văn Sơn (làng Mọc, Nhân Chính) cho biết, so những năm trước, chợ bây giờ không có gì thay đổi nhiều, vẫn là những thức quà quê như kẹo kéo, kẹo bột hay những con giống… Tuy nhiên bây giờ có thêm một số mặt hàng mới của cuộc sống hiện đại đan xen vào.
Ngoài sự sôi động của chợ truyền thống buôn bán các mặt hàng thiết yếu đời sống hằng ngày, khu vực các chợ hoa cũng nhộn nhịp không kém. Từ lâu, người dân Thủ đô đã lưu truyền câu ca dao: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”. Ở Hà Nội, chợ Bưởi được coi là nơi tề tựu của những người yêu hoa, cây cảnh khắp nơi đổ về. Phiên chợ họp chính các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 (âm lịch) hằng tháng. Trước đây, chợ Bưởi còn bán các loại đại gia súc như bò, ngựa, trâu… Thế nhưng, do sự mở rộng của thị trường nên phiên chợ bán những con vật to nay đã không còn.
Ngày nay, khách đến chợ Bưởi chủ yếu là người chơi hoa, yêu cây cảnh. Người đi chợ ngắm hoa, dễ choáng ngợp trước muôn vàn loại hoa, cây cảnh khoe sắc, cùng hòa vào dòng người mua hoa chơi Tết ngắm cây cảnh. Trong số ấy, cũng có những người đến chợ đơn giản chỉ để tìm lại nét xuân riêng như một thú vui trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.Phiên chợ ngày cuối năm là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người, như một phần không thể thiếu trong tinh hoa văn hóa của dân tộc. Phiên chợ ngày giáp Tết càng ngày càng phong phú hàng hóa, nhưng những gì là nét đẹp, là bản sắc thì vẫn còn đó. Để rồi mỗi dịp cuối năm, người ta lại đến chợ, vừa để vui, vừa để tìm về văn hóa cội nguồn.
Theo nhandan.com.vn