Cập nhật: 04/02/2019 15:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đón năm mới, mọi gia đình ở Huế đều lo sửa sang, quét dọn sạch sẽ từ trong nhà ra đến ngoài ngõ.

Phong tục đón Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ bao đời nay trong mỗi gia đình người Việt. Trên vùng đất kinh đô xưa, người Huế vẫn còn giữ nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết.

Nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà được con cháu bày soạn lễ vật tôn nghiêm.

Đón năm mới, mọi gia đình ở Huế đều lo sửa sang, quét dọn sạch sẽ từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà được con cháu bày soạn lễ vật tôn nghiêm. Trước Tết, các gia đình đưa con cháu đi viếng mộ, thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết, nhà nào cũng sắm dăm ba chậu hoa cúc, thược dược để trước hiên nhà; một cành mai hoặc chậu mai vàng đặt ở nơi đẹp nhất trong nhà. Ngày Tết, người phụ nữ trong gia đình Huế trổ tài nữ công gia chánh. Nhiều món ăn truyền thống như: bánh tét, bánh chưng, nem tré, dưa món... và đủ các loại mứt, bánh ngọt như bánh thuẩn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa… đều được các mệ, các chị tự tay làm.

Bàn thờ tổ tiên trong những gia đình Huế ngày Tết

Xuất thân trong gia đình Hoàng tộc, nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Hà ở phường Thuận Thành, thành phố Huế luôn gìn giữ nét đẹp truyền thống để con cháu noi theo. Bà Hà cho biết, ngày Tết, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên được mọi nhà đặc biệt coi trọng. Bàn thời được lau chùi sạch sẽ, có mâm ngũ quả đẹp mắt, dâng lên ông bà, tổ tiên. Theo bà Tôn Nữ Hà, mâm ngũ quả thường có 5 loại trái cây như: sung, dừa, đu đủ, xoài, chuối, nho; tượng trưng cho sự sum vầy, may mắn:

"Ngày Tết thường mời ông bà tổ tiên về dự. Quan niệm xưa nay là ông bà, tổ tiên mình là hưởng hương hoa là chính, thành ra hay cúng bông hoa, rồi mâm ngũ quả cho tươm tất, màu sắc đẹp đẽ, tượng trưng cho sự sum vầy may mắn và điều ước nguyện của mình trong mâm ngũ quả đó."- Bà Tôn Nữ Hà chia sẻ.

Từ xưa, người Huế rất coi trọng việc cúng kiếng trong ba ngày Tết. Mọi nhà, “Cúng ông Táo” vào ngày 23 tháng Chạp. Từ 25 tháng Chạp trở đi, người Huế bắt đầu lễ “Cúng tổ nghề”. Mỗi phường nghề có một ngày cúng tổ riêng. Sau lễ cúng này, đa phần các nghề tạm ngưng hoạt động để đón Tết. “Lễ cúng nêu”, rước ông bà về ăn Tết của các gia đình thường diễn ra vào ngày 30 Tết. Sau khi cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết, các thành viên trong gia đình quây quần, sum vầy bên mâm cơm Tất niên. Những chuyện không vui, không hay trong năm cũ đều được bỏ qua, mọi người cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Mâm lễ đêm giao thừa

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Huế có “Lễ cúng Giao thừa” diễn ra lúc 0 giờ, thời khắc chuyển sang năm mới. Trong giây phút thiêng liêng này, con cháu cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho cả gia tộc một năm mới may mắn, an khang, thịnh vượng. Từ Mồng Một Tết trở đi, mỗi ngày đều có mâm cơm cúng ông bà, sau là để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. Kết thúc 3 ngày Tết, nhà nào cũng làm mâm cỗ “cúng đưa”, tiễn ông bà về chốn cũ. Ông Tôn Thất Giáp, ở phường Đúc, thành phố Huế cho rằng, việc cúng ông bà trong ngày Tết ở Huế có ý nghĩa giáo dục con cháu ghi nhớ công ơn tổ tiên và các bậc sinh thành.

"Tôi thấy mọi nhà cũng đều có cái Tết giống như xưa, trong nhà cũng có bánh chưng, bánh tét đặt lên bàn thờ thắp hương. Tất cả mọi cái nó có cái nếp luôn luôn ăn sâu vào người dân của Huế là luôn luôn tôn thờ ông bà, tổ tiên và tổ chức những lễ Tết ở gia tiên rất đầm ấm", ông Tôn Thất Giáp cho biết.

Khác với nhiều nơi ở Huế không có tục hái lộc đầu năm. Người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Người Huế kiêng việc trở về nhà sau giao thừa để tránh phạm vào lệ “đạp đất” nhà mình. Theo quan niệm, nếu người đến “đạp đất” đầu tiên vào sáng Mồng Một Tết là những người có chức sắc, giỏi chữ, là những người nhẹ vía, thì năm đó tài lộc, may mắn sẽ theo đến với gia đình họ suốt cả năm. Sáng Mồng Một Tết, nhiều gia đình tập trung con cháu đông đủ rồi cùng nhau đi viếng mộ ông bà, tổ tiên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết: Ở Huế nhiều gia đình vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này.

Mâm lễ được sắp từ chiều 30 Tết

Từ chiều 30 thì mỗi gia đình đều phải làm lễ cúng để rước ông bà về với gia con cháu trong ngày Tết. Rồi cúng trừ tịch, cúng giao thừa và sau đó liên tục trong 3 ngày Tết là những lễ nghi, các gia đình không chỉ vui Tết tại nhà mình mà còn đến nhà thờ của dòng họ thắp hương, quây quần con cháu để mừng tuổi con cháu. Người Huế trong 3 ngày Tết quy định, Mồng 1 nhà cha, Mồng 2 nhà mẹ, Mồng 3 nhà thầy. Trong phạm vi của cộng đồng thì ngày ngày Tết còn nhiều lễ hội rất đa dạng.

Ngày Tết mọi gia đình đều hướng vọng về tổ tiên, ông bà, ghi lòng tạc dạ công ơn của các bậc tiền nhân. Nét đẹp này được người Huế duy trì trong những ngày Tết cổ truyền. Sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân xứ Huế./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung/VOV.VN

Tệp đính kèm