Cập nhật: 10/02/2019 11:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các kỹ sư thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã nghiên cứu, phát triển thành công phần mềm chuyển đổi giọng đọc thành văn bản và ngược lại.

Ứng dụng có tên là Viettel voice note, cho phép người dùng chuyển đổi tiếng nói thành văn bản Tiếng Việt với độ chính xác khá cao về chính tả, ngữ pháp. Hệ thống có thể nhận dạng các đầu vào đa dạng, như giọng đọc trực tiếp hoặc thu âm. Ngoài ra, do hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cho nên sau một thời gian, việc nhận dạng tiếng nói sẽ ngày càng chính xác hơn. Bên cạnh đó, Viettel cũng ra mắt phần mềm chuyển đổi văn bản thành giọng nói có tên Text2speech. Người dùng chỉ cần đưa văn bản vào là hệ thống sẽ tự động đọc bằng tiếng Việt.

Động cơ bằng nhôm có độ bền tương đương thép

Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Quốc gia Novosibirsk (Nga) vừa thử nghiệm động cơ đốt trong được chế tạo hoàn toàn bằng nhôm. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ ô-xi hóa điện phân plasmar, nhờ đó hình thành một lớp ô-xít nhôm mỏng có độ bền và khả năng chịu nhiệt trên bề mặt của vật liệu. Các bộ phận được xử lý bằng công nghệ nêu trên có thể thay thế các bộ phận bằng thép trong động cơ để hoạt động ở cường độ cao. Việc sử dụng nhôm thay vì thép trong động cơ sẽ cho phép các nhà khoa học giảm trọng lượng của động cơ từ 30 đến 40% so với các động cơ bằng thép tiêu chuẩn có cùng công suất, đồng thời giảm được lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Truyền tin qua tia la-de

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) đã phát triển hệ thống truyền âm bằng tia la-de. Nhóm nghiên cứu sử dụng một công nghệ gọi là hiệu ứng quang điện tử tận dụng hơi nước trong không khí để hấp thụ sự phát xạ của tia la-de, khiến nó rung động ở tần số âm thanh nhất định. Nó có thể hoạt động trong điều kiện tương đối khô vì hầu như luôn có một ít nước trong không khí, nhất là chung quanh con người. Đáng chú ý, công nghệ này đặc biệt hiệu quả ở những địa điểm có tiếng ồn hoặc đông người, thay thế cho những phương pháp truyền tin cũ và nó hoàn toàn vô hại với tai người. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển công nghệ để người dùng có thể phát ra những thông tin cho đối tượng cần truyền tải mà không sợ người khác nghe thấy. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ có thể là tình báo quân sự hoặc các hoạt động đặc nhiệm. 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm