Cập nhật: 10/02/2019 16:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sắm một con lợn đất xinh xắn để giữ tiền lì xì luôn là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết, Xuân về. Tết Kỷ Hợi này thêm vui, khi lứa lợn đất của làng nghề Thanh Đa lần đầu được “xuất ngoại” sang Mỹ.

Góp nhặt niềm vui

Nhớ mỗi dịp gần Tết, mẹ lại mua một con lợn đất nhỏ cho tôi đút tiền lì xì. Rồi chờ đến cuối năm hỉ hả đập lợn lấy tiền mua sách bút, quần áo đẹp.Vì vậy, khi về làng lợn đất thôn Đường Hồng, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ vào đúng dịp gần Tết Kỷ Hợi, những ký ức tuổi thơ lại thi nhau kéo về…

Thôn Đường Hồng những ngày cuối năm dường như bận rộn hơn thường lệ. Trong làng, không khí tấp nập từ xưởng sản xuất đến sân phơi, bàn vẽ với những con lợn đất béo tròn, màu sắc sặc sỡ. Ngoài làng, từng chuyến xe tấp nập chở thành phẩm về nơi tiêu thụ.

Những chú lợn đất béo tròn chuẩn bị xuất xưởng.

Về Đường Hồng, hỏi ông Dương Ngọc Tuấn (59 tuổi) – người “bén duyên” với nghề làm lợn đất đã hơn 20 năm ai cũng biết. Dẫn chúng tôi đi thăm lò sản xuất của mình, ông Tuấn kể, làm nghề này không khó, nhưng phải tỉ mỉ, cần mẫn. Sau khi đổ khuôn, những con giống thạch cao sẽ được đưa lên các giàn phơi để đợi khô rồi đánh giáp cho thật mịn, bóng. Sau đó, chúng được phun sơn nền và đưa ra phơi khô lần thứ hai. Tiếp đó, những công nhân lành nghề sẽ phun màu từng họa tiết nhỏ, tạo nên những hoa văn sặc sỡ. Công đoạn cuối cùng là vẽ các chi tiết như lông mày, tròng mắt để sản phẩm thêm sinh động trước khi xuất xưởng.

Nghề này không khó, nhưng do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nhiều khi cũng lắm gian nan, trắc trở. Nếu gặp trời nắng thuận lợi thì mất một tuần để hoàn thiện một mẻ lợn thạch cao; còn nếu gặp trời mưa thì có khi mất trắng. Trong suốt những ngày chờ đàn lợn đất đủ điều kiện để đóng gói mang đi tiêu thụ, gia chủ phải giám sát chặt từng khâu, để bảo đảm sản phẩm không bị rạn nứt, không phai màu về sau, đặc biệt là không bị ẩm, làm ảnh hưởng đến những tờ tiền để tiết kiệm trong những con lợn đất.

Nhọc nhằn là thế nhưng ông Tuấn chỉ mong ước trời ban cho sức khỏe để gắn bó lâu dài với nghề. “Cái nghề này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà chúng tôi vẫn nói vui là góp nhặt niềm vui và ký ức tuổi thơ cho nhiều đứa trẻ. Cho nên, dù có tỉ mẩn, dù nhiều vất vả, chúng tôi vẫn bám trụ với nghề” – ông Tuấn cho hay.

Nặn tiếp giấc mơ xuất ngoại

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn vừa bận rộn trả lời điện thoại các đơn đặt hàng. Ông cho biết, từ khoảng tháng 8 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau là thời điểm mà công nhân trong xưởng nhà ông luôn tay sản xuất con giống, nhưng nhiều khi vẫn không kịp cho thương lái nhận hàng. Đặc biệt, năm nay là năm Kỷ Hợi 2019, mặt hàng lợn thạch cao “cháy” hàng. Có khi công nhân phải làm đến 12 giờ đêm, rồi 4 giờ sáng hôm sau đã phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để trả hàng cho khách.

“Tính riêng mấy tháng cuối năm 2018, trung bình cứ ba ngày, lại có một ô-tô vào nhận hàng, mỗi ô-tô chứa từ 1.200 đến 1.500 con lợn đất. Giá của mỗi ô-tô hàng vào khoảng 20 triệu đồng. Nếu trừ mọi chi phí thì lãi suất một xe vào khoảng 20 đến 30%” - ông Tuấn hồ hởi cho biết. Chưa năm nào mặt hàng lợn đất lại đắt hàng như năm nay, nếu có sức làm thì chỉ trong hai ngày cũng đã có xe vào nhận hàng.

Theo ông Tuấn, với xưởng có quy mô 500 m2 như nhà ông, mỗi năm trừ các khoản chi phí cũng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, xưởng cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập bình quân 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ những xưởng sản xuất con giống thạch cao, nhiều người dân xã Thanh Đa đã sang học nghề của anh em nhà ông Tuấn. Tính đến nay, toàn xã Thanh Đa có bảy cơ sở sản xuất con giống thạch cao được hình thành. Đáng nói hơn, những con giống bằng thạch cao của Thanh Đa không chỉ xuất đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước mà đã được xuất khẩu sang Mỹ.

Nhắc đến câu chuyện lợn thạch cao sang trời Tây, ông Tuấn vui mừng kể, tháng 3-2015, một người cháu của ông chuyên làm về xuất khẩu đã giới thiệu sản phẩm lợn thạch cao lên trang bán thương mại điện tử Alibaba. Ngay lập tức, sản phẩm nhận được sự chú ý từ những người bạn ngoại quốc và một vị khách người Mỹ đã đặt mua 2.500 con lợn thạch cao với bảy màu khác nhau.

“Ngay sau khi nhận được đơn hàng, cả công xưởng nhà anh em chúng tôi bắt đầu mở một đợt sản xuất lịch sử. Ngày tiễn “lứa lợn” đầu “xuất ngoại”, chúng tôi vô cùng hồi hộp. Chỉ đến khi, hàng nghìn chú lợn màu vượt đại dương sang nước bạn an toàn thì mọi người mới nhẹ lòng” - ông Tuấn nói và tiết lộ, giá mỗi con heo đất xuất khẩu sang Mỹ có giá 22,8 USD/con, tương đương gần 500 nghìn đồng. Nếu so với giá xuất xưởng ra thị trường trong nước vài chục nghìn đồng/con thì đây quả là mức lợi nhuận quá hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi được hỏi gia đình có tính tiếp đến những chuyến xuất ngoại cho lợn đất, ông Tuấn bảo, biết là lợi nhuận tăng rất nhiều lần nhưng do là mặt hàng cồng kềnh, lại đỏi hỏi đầu tư thời gian và công sức lớn nên chúng tôi cũng phải tính toán cho hợp lý, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm để tìm thêm cơ hội tiêu thụ.

Trời đông, chiều xế tà, nhưng Đường Hồng vẫn tấp nập những chuyến xe lớn nhỏ hối hả đưa những con lợn đất đi đón Xuân. Những chuyến xe đầy ắp lợn đất mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân Đường Hồng và đánh thức cả những ký ức tuổi thơ của chúng tôi thức dậy…

 

Theo HÀ ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm