Nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành nghề để thí sinh có thời gian tìm hiểu. Năm nay, các trường đã bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn, đồng thời góp phần giảm bớt áp lực cho các học sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cho các thí sinh đang sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Ảnh: HẢI ANH
Đa dạng phương thức
Nhiều trường ĐH có thêm ba hình thức tuyển sinh mới trong năm 2019. Đó là tuyển thí sinh thi Đường lên đỉnh Olympia, kết hợp chứng chỉ quốc tế và học bạ và xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế.
Đơn cử, mùa tuyển sinh năm 2019, ĐH Kinh tế Quốc dân áp dụng thêm phương thức xét tuyển kết hợp là điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường năm nay. Hồ sơ dự tuyển sẽ được nhận tại trường từ ngày 2-5 đến ngày 15-7, áp dụng cho hai đối tượng. Đó là thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài TH Việt Nam và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của ba môn bất kỳ (trong đó có môn toán) đạt từ 18 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên) và thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và có tổng điểm thi THPT quốc gia của môn toán và một môn bất kỳ (trừ tiếng Anh) đạt từ 14,0 điểm trở lên.
Điểm mới đáng chú ý nhất trong tuyển sinh ĐH năm 2019 của Trường ĐH Ngoại thương là bổ sung phương thức tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập ba năm THPT. Phương thức tuyển sinh này sẽ được trường triển khai từ tháng 5 và dành riêng cho học sinh các trường THPT chuyên tốt nghiệp năm 2019.
Cụ thể, đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, điều kiện để thí sinh tham gia phương thức xét tuyển này là học sinh các lớp chuyên toán, lý, hóa, văn và ngoại ngữ. Học sinh phải có điểm trung bình chung học tập của ba năm cấp ba từ 8 điểm trở lên, trong đó có điểm trung bình chung học tập của hai môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ) đạt từ 8,5 điểm trở lên. Học sinh cũng phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS từ 6.5 (academic) trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL IBT từ 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.
Năm 2019, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ lần đầu tiên áp dụng xét tuyển thí sinh có các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, BI, A-Level... đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm ở THPT và có hạnh kiểm tốt.
Năm 2019, ngoài việc tuyển sinh theo các chứng chỉ SAT, A-Level như năm 2018, ĐHQG Hà Nội còn bổ sung xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian hai năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn toán hoặc môn ngữ văn).
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường ĐH sẽ phải công khai phương thức tuyển sinh, ngành nghề và chỉ tiêu đào tạo, mức học phí... Như vậy, với việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh không chỉ tăng sự lựa chọn cho thí sinh, tăng nguồn tuyển có chất lượng cho nhà trường mà còn được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho các thí sinh đang sắp bước vào kỳ thi THPT.
Các trường đã bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn. Ảnh: SONG ANH
Băn khoăn về chuẩn chấm thi
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo sửa đổi quy chế thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2019. Theo đó, giữ ổn định phương thức tổ chức, chỉ thay đổi một số điểm trong khâu kỹ thuật của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, những điều chỉnh nhằm tăng độ tin cậy, giảm sai phạm liệu có là giải pháp căn cơ để hướng tới việc dạy và học thực chất hơn hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn nhiều băn khoăn.
Từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương, dự thảo quy chế đề cập đến việc tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật ở tất cả các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó rõ nhất là ở khâu chấm thi.
Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thay vì giao quyền chủ trì cho các sở giáo dục và đào tạo chấm tất cả các bài thi (gồm cả bài thi tự luận và trắc nghiệm), các trường ĐH sẽ chủ trì việc tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm và toàn bộ khâu chấm thi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT. Như vậy, ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD&ĐT các địa phương chỉ chủ trì việc tổ chức chấm bài thi tự luận duy nhất của kỳ thi là ngữ văn. Phương án giao khâu chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH chủ trì nhận được sự đồng thuận cao.
PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đồng tình với chủ trương giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia cho các trường ĐH, bởi thực tế hiện nay, hầu hết các trường ĐH và cao đẳng vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh là chính.
Ông còn đề xuất để bảo đảm an toàn, bảo mật, giảm quá tải, cả nước có thể phân thành ba hoặc bốn điểm chấm thi, tại mỗi điểm chấm đều phải có sự giám sát chặt chẽ của an ninh và Thanh tra GD&ĐT.
Đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT, song ông Nguyễn Hữu Đức, phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Liệu có chọn được đúng trường ĐH đủ năng lực về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên để chấm thi hay không? Căn cứ nào để chọn trường? Làm thế nào để chắc chắn rằng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường ĐH có thể đảm đương nghiêm túc và bảo đảm chất lượng việc chấm bài thi trắc nghiệm của gần một triệu thí sinh cả nước? Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét kỹ những yếu tố trên, tránh tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.
Băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, những sai sót ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy sự liên đới trách nhiệm không nhỏ từ phía các trường ĐH, điển hình là sự việc gian lận tại tỉnh Hà Giang. Qua quá trình xử lý, Bộ GD&ĐT đã xác nhận có sự lơ là, thiếu trách nhiệm của đội ngũ thanh tra ủy quyền là những giảng viên ĐH khi được giao nhiệm vụ tại Hà Giang, góp phần gây ra những sai sót nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại địa phương này.
Tăng áp lực xét tốt nghiệp
Theo ghi nhận tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội, chủ trương tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2019 đang khiến một số học sinh và phụ huynh lo lắng. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Ông Lê Văn Bách, phụ huynh học sinh Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) lo lắng, việc nâng tỷ lệ điểm thi dùng để xét tốt nghiệp có thể làm tăng áp lực cho học sinh, như vậy liệu có đáp ứng mục tiêu giảm áp lực thi cử hay không? Chưa kể tới những tác động của kỳ thi có thể khiến một số em mất bình tĩnh, sức khỏe không ổn định khiến kết quả thi không tốt như lực học thường ngày.
Thầy giáo Ngô Xuân Quỳnh, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) nhận định: “Sự điều chỉnh trong cách xét tốt nghiệp THPT có thể khiến một số học sinh có học lực trung bình lo lắng. Bởi nếu như năm trước, học sinh bị điểm 4, thậm chí 3 điểm cũng đã có thể đỗ tốt nghiệp THPT, thì với cách xét tốt nghiệp mới, các em ở mức điểm như vậy có nguy cơ trượt”.
Còn cô giáo Cao Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, năm 2018 nhà trường vẫn còn một số em có điểm dưới 5 trong kỳ thi THPT quốc gia vì học lệch. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện để các em tiếp cận kiến thức, kỹ năng đều ở các môn, nhà trường khuyến khích các em phát huy ở những môn vốn là thế mạnh như tiếng Anh, ngữ văn và những môn có tính ứng dụng...
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, mối lo của học sinh trước những thay đổi về thi cử là khó tránh, song các em cũng không nên lo lắng quá bởi về cơ bản, lực học của học sinh trên địa bàn Hà Nội khá đều ở các môn.
Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng, phân phối thời gian và thời lượng đều ở các môn và không được cắt xén chương trình ở bất kỳ môn học nào nhằm tránh hiện tượng học lệch. Ngoài ra, các nhà trường phải tuân thủ nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, bảo đảm trung thực trong dạy học, kiểm tra. Sở GD&ĐT sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc này ở các nhà trường.
Theo AN NHƯ/nhandan.com.vn