Giáo dục kỹ năng tự bảo vệ như phòng, chống bắt cóc và xâm hại tình dục cho học sinh là một trong các hoạt động của giáo dục kỹ năng sống đã và đang được thực hiện tại nhiều trường mầm non, phổ thông.
Học sinh Trường tiểu học Khánh Nhạc A, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) trong giờ học chuyên đề về phòng, chống bắt cóc và xâm hại tình dục.
Trước thực trạng bắt cóc, xâm hại tình dục học sinh diễn ra ngày càng phổ biến, thời gian qua, một số phòng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tại tỉnh Thanh Hóa có những biện pháp để nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh. Cô giáo Lê Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa) cho biết, trường đã xây dựng kế hoạch, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kiến thức về bắt cóc và xâm hại tình dục thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia tư vấn; chương trình trải nghiệm sân trường với những người có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên biệt. Ðồng thời, thường xuyên lồng ghép dạy kỹ năng sống (KNS) thông qua các chương trình ngoài giờ chính khóa, hoạt động tập thể, chào cờ. Ðể thực hiện hiệu quả, ban giám hiệu giao giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách hướng dẫn từng tình huống có thể xảy ra với học sinh trong giờ ra chơi, ăn bán trú, giờ giải lao; phối hợp phụ huynh học sinh tìm hiểu, thống nhất cách giáo dục…
Tại tỉnh Ninh Bình từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục đã triển khai đồng loạt việc dạy KNS ở cấp tiểu học, nhất là kỹ năng tự bảo vệ. Cô giáo Nguyễn Thị Dân Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Nhạc A (huyện Yên Khánh) cho biết, trường tổ chức nhiều chuyên đề giáo dục KNS trong các giờ học trên lớp và giờ ngoại khóa. Thông qua các chuyên đề giáo dục, học sinh biết cách ứng xử khéo léo, nhạy bén.
Trong khi đó, theo cô giáo Phạm Thị Hồng Tháp, Trường mầm non Sao Sáng 4 (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), để thực hiện tốt việc giáo dục vấn đề nêu trên thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội rất quan trọng. Vì vậy, trường thường xuyên bồi dưỡng, cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, yêu cầu giáo viên thường xuyên trò chuyện với trẻ, giúp trẻ mạnh dạn tự tin và sẵn sàng chia sẻ với người thân, cô giáo những suy nghĩ, sự việc đã gặp, đã biết. Thông qua xây dựng các trò chơi, các biểu bảng chơi về "Quy tắc năm ngón tay", "Vòng tròn an toàn", bước đầu học sinh có khái niệm, kỹ năng tự bảo vệ.
Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Doãn Hồng Hà, công tác giáo dục KNS cho học sinh đang được sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong các trường. Phần lớn lãnh đạo các cơ sở giáo dục xác định giáo dục phòng, chống bắt cóc, xâm hại tình dục nói riêng, KNS nói chung là một trong những định hướng đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông. Hoạt động này từng bước giúp học sinh phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ, nhân cách; biết cách bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, giáo dục KNS cho học sinh cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, nhất là nội dung giáo dục KNS phần lớn là lồng ghép, tích hợp với các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng, cho nên chưa thật sự hiệu quả.
Do đó, cơ quan quản lý giáo dục, các trường gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả vận dụng kiến thức đã học của học sinh. Mặt khác, cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục KNS. Trong khi đó, giáo viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân khi dạy KNS; chưa được tập huấn bài bản; nguồn tài liệu phục vụ dạy KNS còn ít; tiêu chí đánh giá chưa cụ thể.
Thời gian tới, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về công tác giáo dục KNS, Bộ GD và ÐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức giáo dục KNS theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðồng thời, nghiên cứu tiêu chí đánh giá công tác giáo dục KNS; biên soạn, tổ chức thẩm định bổ sung hệ thống tài liệu hướng dẫn hoạt động, giáo dục KNS phù hợp đặc thù địa phương, nhà trường; bảo đảm công tác giáo dục KNS được thực hiện thường xuyên, đa dạng, hiệu quả…
BÀI VÀ ẢNH: MAI MAI
Theo nhandan.com.vn