Cập nhật: 10/03/2019 15:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cùng với độ phủ sóng rộng rãi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thanh toán di động đang ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích không thể phủ nhận như nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật cao cũng như nhiều tính năng hiện đại liên tục được cập nhật. Mặt khác, đây cũng là giải pháp hiệu quả thúc đẩy chính sách khuyến khích phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước hiện nay. Với tiềm lực tài chính, công nghệ vững chắc, các nhà mạng của Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai dịch vụ thanh toán di động ngay khi được cấp phép.

Khách hàng trải nghiệm ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động. Ảnh: QUỲNH NGA

Nhiều tiện ích

Thanh toán di động (TTDÐ) là xu hướng phát triển chung của thế giới. Ðặc điểm nổi bật của TTDÐ nằm ở sự nhanh chóng, tiện lợi. Ngoài ra, phương thức thanh toán này cho phép không chỉ phát triển ở các đô thị mà còn có thể nhanh chóng mở rộng tới mọi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Với lợi thế chứng minh được tính khả thi và hiệu quả cao mang lại, nhất là ở những quốc gia mà hệ thống ngân hàng chưa phủ sóng rộng khắp. TTDÐ đã, đang dần phổ biến và trở thành xu thế tất yếu tại nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tại một số nước, TTDÐ đã trở thành một trong những kênh thanh toán chính của người dân, hỗ trợ đắc lực cho việc kinh doanh và các thanh toán nhỏ lẻ.

Tại Việt Nam, cách đây nhiều năm, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, đã có một số ví điện tử ra đời, tạo nhiều thuận tiện cho người dân trong thanh toán các loại hóa đơn, mua sắm, dù phạm vi tác động còn hạn chế. Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ, Việt Nam đứng trước yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi, hình thành một nền kinh tế số. Trong đó, có việc đẩy mạnh các dịch vụ tài chính số nói chung cũng như TTDÐ nói riêng để tạo nền tảng phát triển các lĩnh vực khác. Là bộ chủ quản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đóng vai trò dẫn dắt đất nước trong việc tiếp cận CMCN 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã đề xuất Chính phủ cho phép chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, giúp TTDÐ đến được mọi người dân, kích thích kinh tế tăng trưởng. Sau đó, tại buổi làm việc với Bộ TT-TT mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua đề xuất này, cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ. Tháng 1 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Ða-vốt (Thụy Sĩ), Bộ TT-TT đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác về CMCN 4.0 với WEF, theo đó Việt Nam sẽ cùng WEF hợp tác thực hiện Dự án về TTDÐ.

Sẵn sàng khởi động

Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ một lần nữa khẳng định, Việt Nam mới có khoảng 30 - 40% người dân có tài khoản ngân hàng, lại tập trung ở các khu vực đô thị trong khi số lượng thuê bao di động thì vượt cả tổng dân số cả nước, mạng viễn thông phủ sóng khắp các vùng miền. Vì vậy, việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán sẽ đem lại nhiều lợi ích, giải quyết nhiều vấn đề của xã hội và chúng ta cần phải tạo ra một giai đoạn bùng nổ trong TTDÐ. Thực tế, ngay từ năm 2008, khi những chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước được ban hành, VNPT đã là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện với việc góp vốn phát triển ví điện tử VNPT EPAY. Mới đây nhất, VNPT đã cho ra mắt ứng dụng VNPT Pay để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, góp phần thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt tại Việt Nam. Ðây là một nền tảng thanh toán tập trung giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, từ thanh toán cước di động, cước truyền hình cáp đến đóng phí giao thông (mua vé máy bay, vé xe) hoặc thanh toán bảo hiểm, tiền điện, nước, vé xem phim,... Ứng dụng này hiện đã được kết nối với nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, TP Bank, SeAbank... Với TTDÐ, VNPT xác định đây là xu hướng chung của thế giới. TTDÐ là một giải pháp nhanh, khả thi và hữu hiệu để hỗ trợ hiện thực hóa chủ trương thúc đẩy các dịch vụ tài chính số của cơ quan quản lý. VNPT đã sẵn sàng cả về tài chính và công nghệ để có thể triển khai ngay dịch vụ này khi được phép. Trước hết, với mạng lưới hơn 70 nghìn trạm thu phát sóng và kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước, VNPT bảo đảm khả năng phủ sóng gần như 100% dân số cả nước và có thể hỗ trợ thanh toán qua tài khoản di động ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào. Về tình hình tài chính, hiện nay cả tài khoản, dòng tiền của VNPT đều bảo đảm có thể triển khai dịch vụ này. VNPT thậm chí đủ vốn điều lệ để thành lập một ngân hàng. Liên quan vấn đề phí dịch vụ, VNPT đề nghị mở cửa cạnh tranh dịch vụ tương tự như đã làm với thị trường di động trước kia. Phí dịch vụ sẽ nhanh chóng được các đơn vị cung ứng đưa về mức phù hợp với người dân, giúp dịch vụ phủ sóng rộng khắp trong một thời gian ngắn.

TTDÐ chắc chắn sẽ đem lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng là điều không phải bàn cãi, song mặt khác cũng đặt ra một số bài toán liên quan an toàn quốc gia, tội phạm mạng. Với thế mạnh về công nghệ, VNPT tự tin có thể tìm ra giải pháp quản lý dòng tiền được chuyển qua mạng di động, bảo đảm quyền lợi cho cả người sử dụng lẫn cơ quan quản lý. 

Theo THÁI LINH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm