Lấy cảm hứng từ những đàn kiến, nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công một hệ thống robot có thể cùng thực hiện một nhiệm vụ phức tạp, tương tự đàn kiến cùng hợp sức tha một con mồi lớn.
Các robot siêu nhỏ sẽ phát hiện và tiến công những tế bào mang bệnh. Ảnh: NATURE
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 20-3 trên tạp chí Science Robotics, “đội quân” robot siêu nhỏ nói trên có tiềm năng được sử dụng để phát hiện và điều trị bệnh ở cấp độ tế bào, hoặc thậm chí ở cấp độ phân tử trong cơ thể người.
GS Xie Hui thuộc Viện Công nghệ Harbin và là Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, một robot có đường kính chỉ 2 micrometer, nhỏ hơn sợi tóc đến 40 lần, do đó nó có thể di chuyển qua mao mạch để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh. Theo nghiên cứu, những robot cực nhỏ có hình dáng giống hạt lạc có thể hoạt động linh hoạt dựa vào từ trường để cùng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một môi trường hạn chế. Những robot này có thể biến đổi thành nhiều hình dạng như dạng thẳng, dạng chuỗi và hình xoáy nước để thích nghi từng vị trí trong cơ thể. Chúng cũng có thể xếp thành hàng để vận chuyển những thứ nặng mà một robot đơn lẻ không thể thực hiện.
Ông Xie Hui cho biết, hệ thống robot trên có thể được sử dụng để nhận diện và tiến công những tế bào gây bệnh. Trong tương lai, những robot này thậm chí có thể lưu lại trong cơ thể con người để theo dõi sức khỏe và ngăn chặn những dấu hiệu của bệnh tật. Những robot này dù vẫn phải hoàn thiện thêm, song được hy vọng là một công cụ mới giúp phát hiện và điều trị sớm các căn bệnh hiểm nghèo.
Theo MẠNH HÙNG/nhandan.com.vn