“Tàn thể: Tiền truyện” là một trong những phim hoạt hình dành cho người lớn hiếm hoi ra mắt trong năm nay, và nhận được rất nhiều lời khen của công chúng. Tuy nhiên, cánh cửa cho những giấc mơ về phim hoạt hình người lớn như “Tàn thể: Tiền truyện” vẫn là cánh cửa hẹp.
ẢNH: DEE DEE ANIMATIONS
“Tàn thể: Tiền truyện” là một hợp tuyển gồm nhiều tập phim hoạt hình với những câu chuyện khác nhau, mỗi phim là một câu chuyện độc lập dài khoảng 15-20 phút. “Tàn thể: Tiền truyện” diễn ra trong một thế giới không chỉ có con người mà còn có cả nhân bản và máy móc. Các dạng sống khác nhau bị ném vào một cuộc đấu tranh sinh tồn với nhiều mâu thuẫn giằng xé.
Phần đầu tiên vừa ra mắt có thời lượng hơn 15 phút, là câu chuyện giả tưởng kể về một anh chàng si tình tìm cách gặp lại người vợ đã khuất của mình ở “Thiên Cung” - thế giới bên kia, theo truyền thuyết mà những người già trong làng kể lại. Tuy nhiên, những điều anh gặp và chứng kiến ở Thiên Cung lại hoàn toàn khác với những gì anh từng tưởng tượng. Câu chuyện kết thúc hoàn toàn bất ngờ với câu hỏi đặt ra về nhân sinh quan cho cả nhân vật và người xem về chính mình và thế giới chung quanh.
Phần hình ảnh trong “Tàn thể: Tiền truyện” được chăm chút kỹ càng, với màu sắc tươi tắn, cách vẽ trẻ trung. Đặc biệt, đội ngũ làm phim khai thác rất kỹ yếu tố văn hóa truyền thống Việt trong phim, từ kiến trúc, trang phục truyền thống đến tín ngưỡng, với hình ảnh hầu đồng, làng quê, mái ngói sân đình, chùa làng, góc ao với chiếc thuyền câu… Thậm chí, ở cuối phim, người xem còn thấy cả hình ảnh phố cổ Hà Nội, với những căn nhà san sát, những bức tường vàng mang cục nóng điều hòa… khá bất ngờ.
ẢNH: DEE DEE ANIMATION
Phim được thực hiện bởi những tác giả còn rất trẻ: đạo diễn Đặng Hải Quang, biên kịch Nguyễn Thu Giang, Đặng Hải Quang và Phạm Đình Hải của Dee Dee Animations, họ đã cùng nhau xây dựng và phát triển ý tưởng cho bộ phim từ kịch bản gốc đến sản phẩm hoàn thiện.
Đạo diễn Đặng Hải Quang chia sẻ: “Tàn thể: Tiền truyện” được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình được thực hiện theo tiêu chuẩn này. “Chúng tôi đã học hỏi và ứng dụng một quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế trong tất cả các khâu từ xây dựng nội dung cho tới phát triển hình ảnh, hoạt họa, và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt”.
Được biết, ê kíp đã mất khoảng một năm để xây dựng ý tưởng về Tàn Thể, một thế giới rộng lớn, gồm nhiều giống loài, có quy luật sinh tồn, mâu thuẫn và những câu chuyện đặc thù. Đội ngũ làm phim cũng đã nghiên cứu rất kỹ các tài liệu, tư liệu, sách vở về văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, kiến trúc cũng như phục trang của Việt Nam để đưa vào phim. Một trong những ý tưởng mà đội ngũ làm phim muốn truyền tải là giới thiệu với khán giả nước ngoài về những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt. Kịch bản các tập chính thức của series phim đang trong giai đoạn chỉnh sửa lần cuối.
Sau khi ra mắt, bộ phim đã nhận được vô số những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng khán giả ở Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, “Tàn thể: Tiền truyện” còn thu hút sự chú ý và đánh giá cao của giới chuyên môn quốc tế. Stephen Silver – một trong số những họa sĩ gạo cội trong làng hoạt hình thế giới, cha đẻ của nhân vật Kim Possible (Kim Năm Cộng) thân thuộc với tuổi thơ của nhiều khán giả Việt Nam đã có những đánh giá rất cao dành cho bộ phim.
Hiện tại, đạo diễn Đặng Hải Quang cho biết, “Tàn thể: Tiền truyện” mới chỉ được phát hành trên kênh Youtube và Vimeo của Dee Dee Animations chứ chưa tìm được các hướng phát hành khác. “Mục tiêu của chúng tôi là làm ra những bộ phim hoạt hình đạt chuẩn quốc tế, để vươn ra thế giới, đưa những hình ảnh đẹp của dân tộc đến với thị trường thế giới thông qua chất liệu hoạt hình. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ kêu gọi đầu tư cho đến tìm hiểu thị hiếu khán giả, và khâu phát hành…”
Hoạt hình cho người lớn lâu nay không xa lạ gì với các thị trường nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, loại hình này vẫn còn vô cùng non trẻ và không nhiều người dám thử. “Phần lớn các kênh phát hành hiện nay vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng hoạt hình là dành cho trẻ nhỏ, và họ vẫn còn lúng túng khi tiếp cận với thể loại hoạt hình mới này. Đó là lý do cho việc tìm đầu ra không dễ dàng gì đối với hoạt hình người lớn” – Đặng Hải Quang chia sẻ.
Đạo diễn trẻ cũng cho rằng hiện nay các nhà sản xuất phim hoạt hình đang bỏ phí một thị trường tiềm năng khi giữ nguyên quan điểm về hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi. Ngôn ngữ hoạt hình hoàn toàn có thể chuyển tải được những ý tưởng, những câu chuyện chạm đến trái tim người trưởng thành.
“Tàn thể: Tiền truyện” cũng tham dự và nhận được giải thưởng từ một số liên hoan phim quốc tế như lọt vào chung kết Khem Animation Film festival-LHP chuyên về hoạt hình ở Mỹ, trình chiếu chính thức tại Athens ANIMFEST-LHP hoạt hình ở Hy Lạp. Đây là thành công bước đầu trong “khe cửa hẹp”, để người Việt có thể tự hào và mong đợi một bước tiến mới ra thế giới của hoạt hình Việt Nam.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn