Cập nhật: 17/04/2019 14:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội Tình yêu-Hòn Trống Mái, lần đầu tiên được tổ chức ở Thanh Hóa, là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019.

Di tích lịch sử danh thắng quốc gia Hòn Trống Mái nằm trên dãy núi Trường Lệ, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 1962. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tối 6/4, Lễ hội Tình yêu-Hòn Trống Mái đã diễn ra tại Di tích lịch sử danh thắng quốc gia Hòn Trống Mái (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với sự tham gia của người dân địa phương và đông đảo du khách.

Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019.

Với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn dựa trên truyền thuyết Hòn Trống Mái, thành phố Sầm Sơn lần đầu tiên ổ chức lễ hội này.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đá hát khúc tình ca” lấy ý tưởng từ truyền thuyết hòn Trống Mái - biểu tượng cho tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa bền chặt, vĩnh hằng, tôn vinh tình yêu, để những người yêu nhau ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh niên, có cơ hội thể hiện tình cảm với nhau.

Hòn Trống Mái nằm trên dãy núi Trường Lệ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 1962.

Nơi đây vẫn còn giữ vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và mang trong mình những giá trị đặc biệt về mặt văn hóa, gắn liền với thiên tình sử cảm động được truyền từ đời này sang đời khác, chứa đựng ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Chuyện xưa kể rằng vào một năm nọ, nước biển dâng cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển, hai vợ chồng nghèo may mắn bám được vào cây gạo trên núi mà thoát chết.

Rồi nước biển rút nhưng chẳng có gì để ăn, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi, đoán rằng ở đó có thứ ăn được nên đã tìm cách trèo lên đỉnh núi để kiếm đồ ăn cho hai vợ chồng.

Người vợ ở lại ngóng mãi không thấy chồng trở lại, liền cất bước đi tìm chồng nhưng khi lên tới đỉnh núi chỉ thấy người chồng đã kiệt sức gục chết trên tảng đá. Người vợ khóc thương rồi cũng trút hơi thở cuối cùng bên xác chồng.

Thần tiên cảm động trước tình cảm son sắt của đôi vợ chồng, liền biến họ thành tảng đá để mãi mãi gắn liền với vùng đất thân yêu. Từ đó, Hòn Trống Mái trở thành biểu tượng về tình yêu thủy chung son sắt của người Việt và là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến với Sầm Sơn.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề 'Đá hát khúc tình ca' lấy ý tưởng từ truyền thuyết hòn Trống Mái - biểu tượng cho tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa bền chặt, vĩnh hằng. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Trong khuôn khổ "Lễ hội Tình yêu-Hòn Trống Mái" còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa như Hội trại Tình yêu, thi mâm cơm gia đình ấm áp yêu thương, các trò chơi, trò diễn dân gian, các hoạt động thể thao đặc sắc...

Lễ hội thu hút nhiều đôi bạn trẻ đến đây để lưu giữ lại những hình ảnh đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình./.

Theo Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/lan-dau-tien-to-chuc-le-hoi-tinh-yeuhon-trong-mai-o-thanh-hoa/562868.vnp

Tệp đính kèm