Cập nhật: 29/04/2019 07:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con tàu HQ 561 (Khánh Hòa 01) đưa chúng tôi đến Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2019). Trường Sa giờ như gần với đất liền hơn. Nhiều công trình dân sinh được đưa vào sử dụng; đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân Trường Sa không ngừng được quan tâm… tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi giúp người dân vươn khơi bám biển, cán bộ, chiến sĩ luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.

Một góc đảo Trường Sa Lớn.Ảnh: THANH GIANG

Tháng tư ở Trường Sa

Mỗi độ tháng tư về, biển trời Trường Sa dường như hiền hòa và trong xanh hơn. Đây cũng là thời điểm quân và dân trên xã đảo Sinh Tồn cùng nhau thi đua lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, với những hoạt động thiết thực như: trồng cây xanh, vệ sinh môi trường; tổ chức thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa quân và dân… Dịp này, nhiều đoàn công tác cũng từ đất liền ra với đảo, mang theo tình thương yêu, sự tin tưởng của nhân dân cả nước dành cho đồng bào chiến sĩ nơi đảo xa.

Cảm nhận chung đầu tiên khi đoàn công tác đặt chân lên xã đảo Sinh Tồn, là những con đường được thảm bê-tông sạch sẽ; những dãy nhà công vụ xây dựng kiên cố được tô điểm bằng những hàng cây xanh tỏa bóng mát bởi các loài cây đặc trưng của Trường Sa như bàng vuông, phong ba, bão táp, tra… Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái bằng khang trang, rộng rãi, với những tiện nghi sinh hoạt chẳng kém ở đất liền, chị Lữ Kim Cúc không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: Nếu so với đất liền, thì cuộc sống của những người trên đảo như chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn tình cảm của người thân ruột thịt. Bù lại sự thiếu hụt đó, các hộ gia đình trên đảo luôn được các cán bộ, chiến sĩ đùm bọc và quan tâm, bằng những việc làm cụ thể như: hỗ trợ phương tiện sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, đến nay gia đình tôi đã hoàn toàn chủ động được rau xanh, thịt trong sinh hoạt hằng ngày.

Trẻ em vui chơi trên xã đảo Sinh Tồn.

Đây chính là niềm vui, động lực giúp người dân sinh sống trên đảo nỗ lực hơn nữa vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sự xa cách với đất liền để cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đáng mừng hơn, nếu như trước đây việc học hành của con cái, hay chăm sóc y tế luôn là nỗi lo thường trực của người dân, thì hiện nay, trên đảo đã có trường học với các cấp học mầm non và tiểu học với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc học, vui chơi của học sinh. Ngoài kiểm tra sức khỏe định kỳ, thì khi ốm, đau người dân đã được y, bác sĩ tại các bệnh xá chăm sóc tận tình, chu đáo, cấp thuốc đầy đủ, miễn phí. Nhiều ca bệnh khó được điều trị kịp thời, không phải chuyển vào đất liền điều trị như trước đây... Nhờ có hệ thống điện gió, điện mặt trời, các hộ dân được cấp điện sinh hoạt, được xem ti-vi, nghe đài, có sóng điện thoại… Vì thế, khoảng cách với gia đình và đất liền đối với những người dân sinh sống trên đảo dường như gần hơn.

Bên cạnh việc cùng gia đình trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế, anh Đoàn Thế Hiển còn tham gia dân quân tự vệ của xã đảo Sinh Tồn. Nhiệm vụ của dân quân tự vệ là cùng các chiến sĩ bộ đội đi tuần, trực đêm theo vị trí được phân công để bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thức được vinh dự này, anh Hiển và các chiến sĩ dân quân tự vệ trên đảo luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, vất vả để sát cánh với cán bộ, chiến sĩ tạo nên thế trận quốc phòng, an ninh là điểm tựa nơi đầu sóng, ngọn gió…

Cách đất liền khoảng 254 hải lý, đảo Trường Sa Lớn giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, với giá trị cao, cho nên luôn thu hút tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân đến từ các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên… ra đánh bắt. Điều đó đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Những năm qua, quân và dân trên đảo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và người dân cả nước. Nhiều công trình dân sinh đã được đầu tư xây dựng trên đảo như: nhà đèn, bệnh xá, trung tâm y tế, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, chùa, âu tàu… Để luôn xứng đáng là điểm tựa nơi đầu sóng, ngọn gió, thời gian qua cán bộ, chiến sĩ trên đảo duy trì nghiêm các chế độ trực ở các cấp, canh gác chặt chẽ, xử lý đúng đối sách, không để sót lọt mục tiêu, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí ngày nghỉ, giờ nghỉ cho bộ đội; giao lưu văn hóa, văn nghệ với người dân; luôn giữ vững mối quan hệ quân dân, các lực lượng trên đảo; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, quân và dân trên đảo đã trồng được 1.547 cây xanh các loại, hơn 107 nghìn m2 thảm cỏ bằng cây muống biển và cây đậu dại… Đây là những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa; đồng thời phấn đấu xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân”.

Gần lắm Trường Sa

Với sự khắc nghiệt của thời tiết và những ngày hăng say luyện tập trên thao trường làm cho gương mặt hạ sĩ Trần Bảo Trọng đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lớn C trở nên rắn rỏi hơn so với độ tuổi 20. Chia sẻ với đoàn công tác, hạ sĩ Trần Bảo Trọng khẳng định: Đã là người lính hải quân, dù công tác ở đâu, ở bất cứ vị trí nào, chúng tôi luôn xác định tâm thế không lùi bước trước khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do xác định được tư tưởng, cho nên khi được phân công ra các đảo, chúng tôi đã luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao; không ngừng học tập, nâng cao khả năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, thiết bị tại đơn vị… Ngoài thời gian tập luyện, canh gác theo quy định, những người lính trên đảo Đá Lớn C đã xây dựng thành công “vườn rau thanh niên”, với hơn 10 loại rau, quả khác nhau. Thông qua việc tăng gia, sản xuất không chỉ có thêm rau xanh cho bữa ăn, mà qua đó còn rèn luyện cho mỗi người lính sự kiên trì, tính tiết kiệm, góp phần xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp… với tinh thần luôn khắc sâu trong tim người chiến sĩ hải quân “Đảo là nhà - Biển cả là quê hương”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Tự hào biết bao, sau 44 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, với sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các cấp, các ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương và nhân dân cả nước, huyện Trường Sa hôm nay đã thay đổi về diện mạo với nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố và hiện đại như: Hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lọc nước, mạng điện thoại; lắp đặt các trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam; nhà ở, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, chùa, âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân các địa phương khi tham gia hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân và dân trên quần đảo Trường Sa về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ ở đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa Lớn, mà các đảo nổi, đảo chìm như Nam Yết, Cô Lin, Thuyền Chài, An Bang, Đá Tây, Đá Lớn và Nhà giàn DK1/11… nơi chúng tôi đến thăm đều được xây dựng khang trang, sạch sẽ và phù hợp nhu cầu của quân và dân. Nhằm nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, các đảo đều có sóng điện thoại; ti-vi được trang bị tới các phân đội, dàn âm thanh phục vụ văn hóa, văn nghệ; tủ bảo quản thực phẩm; hệ thống lọc nước biển; nhà vườn trồng rau xanh… Đáng mừng, hiện nay các đơn vị trên quần đảo Trường Sa gần như tự túc được rau xanh, không ít đơn vị bước đầu chủ động một phần thịt tươi sống như gà, vịt, lợn bổ sung cho bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Trên hành trình trở về đất liền, kết thúc chuyến công tác ra thăm các đảo, điểm đảo, lời hứa của Đại úy Ngô Văn Kiên, Chính trị viên đảo Đá Lớn C vẫn vang vọng trong mỗi chúng tôi: “… Cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo Đá Lớn C xin hứa với nhân dân cả nước dù bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn đoàn kết một lòng. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió; sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

BÀI VÀ ẢNH: TRUNG TUYẾN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm