Cập nhật: 20/05/2019 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gắn bó với Trường Sơn, có nhiều tác phẩm về đường Trường Sơn, bộ đội Trường Sơn ghi dấu trong lòng bạn đọc, đại tá quân đội - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý như một trong những “gạch nối” giữa các thế hệ cầm bút thời chiến và thời bình khi sáng tác về chiến tranh cách mạng, trong đó có đề tài Trường Sơn. Mong muốn mảng đề tài này cần tiếp tục được quan tâm, ông chia sẻ với Thời Nay.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong chuyến thực tế Trường Sa tháng 4-2019.

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ, vừa kết thúc một chuyến thực tế trở lại Trường Sa trước thềm kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, dường như trong ông có đan xen nhiều cảm xúc, hiện tại, hoài niệm?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (NHQ): Những ngày cuối tháng tư năm nay, tôi được ra Trường Sa lần thứ hai. Chuyến thứ nhất, tôi được đặt chân lên quần đảo yêu thương này vào năm 2000. Có những em bé sinh năm đó nay đã trở thành các chàng lính biển chững chạc, làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 19 năm trôi qua, bây giờ trở lại Trường Sa nói sao hết những mừng vui xúc động của mình khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quần đảo. Trường Sa thật sự “sạch, xanh, đẹp”, xứng đáng được gọi là nơi “đáng sống” hiện nay. Tôi cảm nhận rõ ràng một Trường Sa đẹp đẽ, ngăn nắp về cảnh quan, trong sáng, thuần khiết về con người. Cuộc sống ở Trường Sa rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó sẽ là nguồn cảm hứng và chất liệu để tôi tiếp tục đồng hành với Trường Sa trong những trang viết mới của mình.

Từ Trường Sa, tôi cảm nhận rõ và sâu hơn sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Trong Trường Sa có một phần lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc Việt. Trong hải trình đến Trường Sa, sau những gặp gỡ với nhiều người lính, người dân ở đây, tôi vững lòng tin hơn. Lòng yêu nước thật cụ thể, giản dị và sinh động ở nơi này. Tôi muốn gọi đó là văn hóa giữ nước của dân tộc Việt. Cõi bờ không chỉ được đánh dấu bằng các cột mốc chủ quyền mà còn được khẳng định bằng văn hóa giữ nước truyền lưu, gìn giữ, phát huy từ xưa đến nay, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ vì thế, mà trong những ngày qua, ở Trường Sa, tôi thấy gần hơn một Điện Biên “Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi, ngủ hầm/Mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn...”, một Trường Sơn đông nắng tây mưa có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ai chưa đến đó như chưa hiểu mình. Chắc cũng vì năm nay, đất nước kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 60 năm Bộ đội Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh. Quá khứ cộng hưởng vào hiện tại, truyền thêm năng lượng cho hôm nay như là một điều không thể khác.

PV: Trở lại với những ký ức thời kỳ công tác và sáng tác ở Trường Sơn, xin nhà thơ chia sẻ một số trải nghiệm đã giúp ông có những bài thơ hay về Trường Sơn, về người lính?

NHQ: Tôi tin rằng Trường Sơn đã can dự sâu sắc vào cuộc sống tinh thần của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ. Rất ít thanh niên thời đó không thuộc lòng hai câu thơ này của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trước kỳ thi đại học khoảng một tuần, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Không nhiều băn khoăn khi nguyện vọng bước vào Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội bị gác lại, tôi lên đường nhập ngũ nhưng không biết mình sẽ được đến đơn vị nào. Như một cơ duyên, tôi trở thành lính Đoàn 559. Vui! Nói thật, vì bởi một phần cái ước mơ trở thành “nhà thơ Trường Sơn” đã chấp chới trong tâm hồn tôi thời học cấp ba. Những bài thơ của Phạm Tiến Duật như “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính “, “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”... đã làm cho tôi “phải lòng” Trường Sơn từ hồi chưa nhập ngũ. Tôi hồn nhiên mang ước mơ trở thành nhà thơ mang áo lính vào Trường Sơn. Chùm thơ ba bài in báo Trường Sơn tháng 6-1974 khi tôi còn binh nhì phải chăng là dấu hiệu tốt lành mai sau của mình.

Cái mai sau đầy khó khăn, gập ghềnh, trắc trở, hy vọng, thất vọng thay nhau đến với tôi. Có lẽ, tôi phải nhắc lại kỷ niệm này, Tết Bính Thìn năm 1976, trên Văn nghệ Quân đội tôi được in bài thơ đầu tiên. Một bài thơ mang chất Trường Sơn thời đó với cái tên “Trên đường hành quân”. Tưởng rằng, mọi chuyện sẽ dễ dàng. Nhưng không, gần 20 năm sau, tôi mới có bài thơ thứ hai in Văn nghệ Quân đội. Bài “Bông huệ trắng” được tặng thưởng tác phẩm xuất sắc về thơ năm 1995 của Nhà số 4. Và, kể từ đó, hình như tôi có cơ duyên với những sáng tác thơ về Trường Sơn. Bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” được giải nhì (không có nhất) cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996. Ba nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Chừng và Võ Thế Hùng đã phổ nhạc bài thơ này. Trường ca “Vạn lý Trường Sơn” được giải thưởng Bộ Quốc phòng. Tập thơ và trường ca “Những hồi chuông màu đỏ” phần lớn viết về Trường Sơn được giải nhì (không có nhất) cuộc vận động viết về liệt sĩ thương binh và người có công của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong trường ca thứ tư của tôi vừa hoàn thành - “Chín cơn mưa và Mẹ” có những khúc đoạn tôi viết về Trường Sơn đầy cảm hứng và mới mẻ. Đấy là những đoạn thơ có độ rộng dài và mạnh mẽ. Cũng rất sâu lắng. Sự lắng sâu của hoài niệm, của lòng biết ơn, tri ân đồng đội, anh em, bạn bè.

Tôi có 20 năm làm lính Trường Sơn. Đó là khoảng thời gian không ngắn cho tôi nuôi cảm hứng và tích lũy chất liệu để sáng tác về Trường Sơn. Một vùng, miền mà không ít người đã khai thác, đã sáng tác văn thơ trong và sau chiến tranh. Đó chính là thách thức không nhỏ với những người viết về chiến tranh và Trường Sơn như tôi. Trường Sơn trong thơ và trường ca của tôi không còn nhiều cái cụ thể quen thuộc như thời trước nữa mà nó đã được khái quát hóa, biểu tượng hóa, mang vẻ đẹp huyền thoại từ dâng hiến lớn lao. Một Trường Sơn anh hùng và lãng mạn được nối dài thêm sự mất mát, đau thương như là sự thật của cuộc chiến mà dân tộc này đã trải qua đầy máu, mồ hôi, nước mắt. Đó thật sự là Trường Sơn bi tráng, càng tự hào bao nhiêu càng xót buốt bấy nhiêu. “Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...”.

Tôi viết về Trường Sơn như là thương nhớ, có lẽ còn hơn thế, là sự ám ảnh về một thời đã qua. Thời gian lao, mất mát nhưng vô cùng cao cả, trong sáng. Thời của mỗi ngày cháy lên ngọn lửa yêu nước nồng nàn, thời của những hy sinh, dâng hiến không hề bị khuất lấp được sáng lên từ Trường Sơn như tôi đã biết.

PV: Thời gian trôi đi, dường như người cầm bút, công chúng nhận ra thêm: Bên cạnh kho tư liệu về lịch sử đường Trường Sơn, vẫn còn cần nhiều hơn nữa những trang sáng tác. Từ quan sát riêng, ông có nhận xét gì về thực tế này?

NHQ: Trường Sơn là một giá trị lịch sử, giá trị văn hóa to lớn của dân tộc. Của hôm qua. Của hôm nay. Và, của ngày mai. Trường Sơn kết nối truyền thống, hiện tại và tương lai. Hiện thực Trường Sơn của những năm đánh Mỹ còn những vỉa tầng, góc cạnh chưa khai thác hết. Cảm hứng về Trường Sơn vẫn chưa kiệt cạn trong nhiều người viết. Tôi tin, các nhà văn, nhà thơ còn có thể viết mới, viết hay về Trường Sơn.

Điều này nữa, Trường Sơn vẫn là điểm hút với nhiều người viết, người đọc. Sức hấp dẫn của miền đất này vẫn còn lớn. Với tôi, viết về Trường Sơn như là cơ duyên, là định mệnh. Chắc chắn Trường Sơn vẫn còn trở lại với tôi trong nhiều trang viết mới.

PV: Là một nhà thơ, một người lính, xin ông góp một số ý tưởng cho việc tiếp sức, tạo điều kiện để có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay về Trường Sơn trong bối cảnh hôm nay?

NHQ: Thơ ca là nơi lưu trữ tâm hồn dân tộc bền vững nhất. Quá khứ bi tráng mang tên Trường Sơn cần phải được thể hiện hay hơn, đủ đầy hơn trong văn học nói chung và thi ca nói riêng. Bởi những giá trị vô giá của đất nước hôm nay như độc lập tự do, hòa bình, non sông thống nhất gắn liền với Trường Sơn.

Tuy nhiên, cần phải có những tác động nào đó để điều ấy thành hiện thực. Như cần động viên, khuyến khích các nhà văn sáng tác về Trường Sơn. Tổ chức những trại viết về Trường Sơn xưa và nay. Có các cuộc vận động viết về Trường Sơn và biểu dương, tặng thưởng xứng đáng cho những tác phẩm xuất sắc.

PV: Riêng ông, từ những chuyến đi vừa qua, ông lại ấp ủ những kế hoạch sáng tác nào cho riêng mình?

NHQ: Nói trước dự định sáng tác của mình thật khó. Sợ nói trước bước không qua. Nhưng có hơn 20 năm làm lính Trường Sơn, hai lần được trải nghiệm Trường Sa, tôi mong muốn viết được những tác phẩm về Trường Sơn, Trường Sa. Từ Trường Sơn đến Trường Sa có bao nhiêu điều hay. Biết đâu sẽ có một tập thơ dành riêng cho Trường Sơn và Trường Sa.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ!

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm