Cập nhật: 29/05/2019 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh hơn nữa khả năng liên kết, hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch.

Một gian hàng tư vấn tuyển dụng tại Diễn đàn việc làm ngành du lịch - khách sạn vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: THỐNG NHẤT

Vừa qua, Diễn đàn việc làm ngành du lịch - khách sạn diễn ra tại Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) được tổ chức bởi các khoa đào tạo du lịch của gần mười trường đại học trên địa bàn Thủ đô đã thu hút hơn 60 doanh nghiệp lớn ở Hà Nội tham gia tuyển dụng trực tiếp. Điều này cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - khách sạn, nhất là trong bối cảnh lực lượng lao động toàn ngành đang vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Theo thống kê sơ bộ, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động đang phục vụ trong lĩnh vực du lịch. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh như hiện nay, nhất là sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch cao cấp như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, đòi hỏi mỗi năm ngành du lịch phải có thêm 25.000 lao động mới, song các cơ sở đào tạo hiện chỉ cung ứng được khoảng 15.000 lao động. Đáng nói là chỉ 42% nguồn nhân lực toàn ngành được đào tạo chuyên nghiệp, 38% là từ ngành khác chuyển sang, 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Ngay với nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng còn hạn chế về kỹ năng nghề và khả năng ngoại ngữ. Nhiều nhân viên, sau khi được tuyển dụng dù đã qua đào tạo dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, vẫn phải được doanh nghiệp đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung. Giám đốc đào tạo nguồn nhân lực, Công ty cổ phần Vinpearl Nguyễn Thị Kim Khánh cho biết, nhiều sinh viên cho rằng, được đào tạo để làm quản lý thì không thể làm các công việc khác như dọn phòng, pha chế, chăm sóc cảnh quan…; trong khi đây là những công việc hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý. Và những công việc này, các học viên có thể làm quen để bổ trợ kỹ năng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu được thực tập ở doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa nhất quán giữa đầu vào và đầu ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân chính của thực trạng này chính là sự thiếu cân xứng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo. Tại các quốc gia phát triển, thời lượng đào tạo lý thuyết và thực hành là 50-50, tức là nếu thời gian học bốn năm, thì có tới hai năm học viên được thực tập trong môi trường thực tiễn. Nhưng ở nước ta, thời gian thực tập ở các doanh nghiệp chỉ khoảng ba, bốn tháng, dẫn đến học viên thiếu hẳn kỹ năng nghề thực tế. Chưa kể, nhiều cơ sở đào tạo không tên tuổi, còn gặp khó khăn trong khâu kết nối với các doanh nghiệp lớn, nên học viên chỉ có điều kiện thực tập ở những môi trường chưa chuyên nghiệp, dẫn tới cơ hội học hỏi, hoàn thiện kỹ năng càng thấp. Để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây được xem là mũi tên trúng nhiều đích. Bởi với sinh viên, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp họ có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường thực tế, đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Với cơ sở đào tạo, việc hợp tác giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đầu ra phong phú cho người học, qua đó tăng cường vị thế, uy tín của nhà trường. Về phía doanh nghiệp, đây là cơ hội để tuyển người lao động có năng lực phù hợp yêu cầu thực tế mà không tốn chi phí tuyển dụng và thời gian thử việc, lại không phải đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp. Khi đầu ra của cơ sở đào tạo được nâng cao về chất lượng, thì đầu vào của doanh nghiệp cũng được bảo đảm. Về phía Nhà nước, sự phối hợp này sẽ giúp giảm được lượng nhân lực đã qua đào tạo mà thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, nghề, giúp hạn chế sự lãng phí trong đầu tư cho đào tạo.

Trên thực tế, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đều nhìn thấy những lợi ích to lớn này, song để thực hiện liên kết có hiệu quả đòi hỏi sự chia sẻ lâu dài của cả hai bên. Đây là điều kiện tiên quyết để từ đó, hai bên xây dựng chiến lược rõ ràng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, nếu cứ để sinh viên tới doanh nghiệp thực tập theo cách ngồi xem người của doanh nghiệp làm việc thì sẽ không thể đạt hiệu quả. Cần đưa sinh viên vào việc, cho họ môi trường để họ làm quen và hiểu rõ công việc thực tế. Doanh nghiệp phải bố trí người có năng lực đào tạo để hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập.

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo, giảng viên các khoa đào tạo du lịch - khách sạn, bên cạnh việc gửi sinh viên tới doanh nghiệp để thực tập vào các đợt theo quy định, giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên mở rộng nhiều hình thức hợp tác khác để tăng cường chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp; tổ chức hướng nghiệp, cấp học bổng, cùng tham gia công tác nghiên cứu khoa học với nhà trường… Đối với cơ sở đào tạo, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể trong việc mời đại diện doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, trong đó phải thắt chặt mối quan hệ với các cựu sinh viên, bởi đây là kênh kết nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp… Để mối liên kết này bền vững, hiệu quả, cần vai trò kết nối chặt chẽ của các đầu tàu là Hiệp hội Đào tạo du lịch và các Hiệp hội Khách sạn, Lữ hành… nhằm kiến tạo môi trường giúp các chủ thể là cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch có điều kiện hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

VIỆT ANH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm