Chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lan rộng; Kịp thời khoanh vùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh theo đúng quy định; Giám sát chặt chẽ việc lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ lợn ốm, chết; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Đó là những biện pháp đã và đang được thành phố Phúc Yên quyết liệt triển khai nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan ra diện rộng.
Ngay sau khi có dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố Phúc Yên đã tổ chức phiên họp khẩn cấp để rà soát, đánh giá tình hình phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố; Chỉ đạo các đơn vị, các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân.
Tính đến hết ngày 24/5/2019, trên địa bàn thành phố đã có 168 hộ, thuộc 52 thôn, tổ dân phố của 10 xã, phường có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trước thực trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tổ chức khoanh vùng, bao vây ổ dịch; cấp hóa chất phun khử trùng tiêu độc tại các xã, phường có dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại các hộ chăn nuôi; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố Phúc Yên còn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn, công tác tiêu hủy lợn do mắc dịch tả lợn Châu Phi tại các xã, phường; Hướng dẫn trình tự các bước xử lý đối với ổ dịch.
Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường thành phố Phúc Yên còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong thời điểm này, người dân không nên tái đàn ngay sau khi dịch bệnh vừa kết thúc. Đồng thời phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thì mới nhập lợn nuôi trở lại theo hình thức tăng dần. Bên cạnh đó, các tiểu thương, người tiêu dùng cũng phải tích cực cùng các cơ quan chức năng tham gia chống dịch. Có như vậy mới đẩy lùi được dịch bệnh tả lợn Châu Phi đang diễn ra phức tạp như hiện nay./.
Thu Thủy