Với 92 học sinh, sinh viên đến từ mọi miền Tổ quốc được “làm chú bộ đội hải quân” trong hơn 10 ngày, đêm không chỉ là kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ nhất trong đời, mà thực sự còn là những ngày hè bổ ích.
Xúc động buổi chia tay về với gia đình
Ngoài những bài học quân sự về biển, đảo đã trang bị cho các em kỹ năng sống và coi đó như hành trang trong cuộc đời thì cũng chính môi trường này đã góp phần bồi dưỡng vun đắp cho các em tình yêu biển, đảo giúp các em hiểu thêm về cuộc sống của người lính, về trách nhiệm với biển, đảo Tổ quốc.
Hành trang đầu đời
Sân cảng vụ Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân (Bà Rịa- Vùng Tàu) rộn rã tiếng nói cười của 92 HSSV lứa tuổi từ 14 – 22 đến từ các trường cao đẳng, PTTH của mọi miền Tổ quốc. Các em đăng ký tự nguyện qua mạng Internet về đây để được huấn luyện, rèn luyện kỹ năng sống. Có nhiều em đến từ Hà Nội, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai và hầu như không ai biết ai nhưng đều có chung niềm kiêu hãnh được làm chú bộ đội và lần đầu tiên khoác trên mình chiếc áo yếm hải quân. Đây là chương trình huấn luyện do Nhà văn hóa thanh niên, Thành đoàn TP.HCM và Lữ đoàn 171 Bộ Tư lệnh Vùng 2 phối hợp tổ chức trong thời gian qua.
Với chủ đề huấn luyện “Thanh niên Việt Nam - biển đảo Việt Nam”, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171, các em học sinh sinh viên được thực hiện 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt học tập” với các anh bộ đội theo 7 nội dung huấn luyện chính. Công việc của 92 “chiến sĩ hải quân nhí” bắt đầu từ 5h30 sáng báo thức, tập thể dục, thư giãn và lắng nghe những lời chia sẻ yêu thương, sắp đặt nội vụ vệ sinh, ăn sáng, kiểm tra lễ tiết tác phong, học tập huấn luyện, ăn nghỉ trưa, làm việc chiều, thể dục thể thao, tăng gia, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, ngủ nghỉ…
Bài học đầu tiên của các “chiến sĩ nhí” là cách gấp chăn màn sau ngủ dậy, cách sắp đặt nội vụ vệ sinh. Ngày thứ 2, trong quân phục chỉnh tề các bạn được “sánh vai” với cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 nghiêm trang chào cờ Tổ quốc. Ban ngày huấn luyện điều lệnh đội ngũ, tập bơi, tập võ thể dục, tăng gia sản xuất, học 5 phương pháp cấp cứu tại chỗ, học kỹ năng cách nhận biết tội phạm và cách phòng chống ma túy, tối đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui lửa trại, chơi trò chơi vận động, xem phim về Chiến sĩ hải quân vững vàng nơi đầu sóng.
Tự hào làm chiến sĩ hải quân
Chia sẻ yêu thương từ trái tim mình
Anh Nguyễn Đàm Hoàng Khương, trại trưởng là người có thâm niên 3 năm liên tục tổ chức huấn luyện hè quân sự cho các HSSV chia sẻ, các em đa phần có cuộc sống khá giả đầy đủ vật chất. Nhiều em chưa từng đi bộ đến 1 cây số vậy mà nay phải “hành quân” xa hơn 5 cây số đi học bơi. Chân em nào cũng mỏi rã rời nhưng niềm vui thì không kể xiết. Có em chưa bao giờ phải gấp chăn màn, thậm chí ăn cơm còn được bố mẹ “nịnh” mới chịu thì đến đây các em đã tự giác. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng sống tự lập tự giác, sức khỏe, tính chủ động, các em còn được huấn luyện cách chia sẻ yêu thương, tức là sẻ chia, thấu hiểu những khó khăn gian khổ cuộc sống đời thường của các chiến sĩ hải quân.
Đây chính là điều thắp ngọn lửa tình yêu Tổ quốc, yêu biển, đảo trong trái tim các em. Có nhiều em ở nhà ngoài giờ học chỉ “chát chít” hoặc ngồi trong phòng xem ti vi, thậm chí còn ích kỷ, vô cảm, thiếu sự quan tâm với cuộc sống xung quanh mình, thì đến đây các em đã mở tấm lòng, chia sẻ những suy nghĩ của mình với bạn bè và chúng tôi. Có thể nói đây là chương trình huấn luyện đặc biệt tương đối toàn diện và rất bổ ích.
Bài tập di chuyển nội vụ
SV năm nhất Quang Kiệt, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM tâm sự: “Đây là lần đầu tiên sống xa gia đình, được cùng ăn, cùng ở, cùng học tập với các anh bộ đội, em rất vui. Tuy nhiên cũng rất mệt và sẽ quen dần. Điều quan trọng là sau đợt huấn luyện này, chúng em biết tự chăm sóc mình, có thêm kỹ năng sống ngoài xã hội. Đây là những ngày hè thực sự có ý nghĩa đối với bọn em”. Bạn Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Là con một được ba mẹ cưng chiều nhiều, những ngày mang trên mình quân phục bộ đội hải quân, em thấy mình đã trưởng thành. Em thực sự khâm phục các chú bộ đội hải quân”.
Đêm trước ngày chia tay, tại Hội trường Lữ đoàn 171, 80 chiến sĩ được nhận giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện kỳ hè quân sự, 12 chiến sĩ được công nhận hoàn thành xuất sắc. Giữa sân, dưới ánh đèn cao áp, các em ngồi quanh cô giáo quản trại Đặng Thị Kim Ly nghe kể chuyện tình yêu biển đảo. Nhiều em đã khóc khi nghe kể chuyện về 9 chiến sĩ nhà giàn DK1 đã hy sinh giữa sóng cuồng bão giật để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Xúc động khi trại trưởng Nguyễn Đàm Hoàng Khương nói trên micro: “Hôm nay là buổi sáng cuối cùng tại nơi đây, chỉ còn ít phút nữa thôi chúng ta đã tạm biệt những con tàu và các chiến sĩ hải quân về thành phố. Các em hãy nhắm mắt lại ngước lên bầu trời xanh và chia sẻ tất cả những niềm vui nỗi buồn, hãy nghĩ đến các bạn tật nguyền vì chất độc da cam, hãy nghĩ về ngày mai tươi sáng. Các em hãy đặt tay lên tim mình và lắng nghe Tổ quốc đang trong tim các em, biển đảo đang trong tim các em…”.
Dưới sân, 3 trung đội chiến sĩ nhí ngồi khoanh chân tròn dưới đất, nhắm mắt ngước lên trời cao. Lời bài hát Trái tim nhân ái vút cao: “Người chiến sĩ hải quân vì nước quên thân, chúng ta là chiến sĩ hải quân một lòng vì nước vì dân…”.
“Bố mẹ ơi, con thấy mình lớn lên và trưởng thành rất nhiều. Những bài con học được từ những người lính là tinh thần kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, chấp nhận hy sinh và chịu đựng gian khổ. Qua những ngày huấn luyện ở đây, được các anh bộ đội Hải quân hướng dẫn, con thực sự thấy mình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc mình hơn. Bây giờ con mới hiểu “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà ta hãy hỏi đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Đó không phải là khẩu hiệu, mà là hành động để chúng con đi tới, bố mẹ ạ”.
(Trích Nhật ký trưởng thành của SV Nguyễn Thị Mai Anh, Trường Trung học Du lịch TP.HCM).
“Anh ơi, em đi huấn luyện kỳ hè quân sự cùng các chú hải quân. Em rất khâm phục họ. Bây giờ em đã hiểu hơn về Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam rồi”.
(Em Nguyễn Vũ Anh Luân, HS lớp 8 Trường Trần Văn Ơn, quận Thủ Đức, TP.HCM viết thư cho anh trai đang du học ở Đức)
Theo TRẦN MẠNH TUẤN/baovanhoa.vn