Cập nhật: 06/07/2019 11:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Còn hơn 4 tháng nữa là khai mạc Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21, nhưng cho tới hiện tại vẫn chưa thấy phim Nhà nước đặt hàng nào "lên tiếng".

Kể từ khi Hãng phim truyện Việt Nam- VFS lình xình vụ cổ phần hóa, rồi việc mua bán khuất tất với “đại gia cát sỏi” gây nhiều kiện tụng bất phân, thì gần như phim điện ảnh Việt Nam do Nhà nước đặt hàng cũng bị ảnh hưởng, không có dự án nào được thực hiện. Và mới nhất, ngày 22/1/2019, Văn phòng Chính phủ ra văn bản đồng ý để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện cơ chế đặt hàng sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018- 2021.

“Hợp đồng bán mình” phim Nhà nước đặt hàng đầu tiên được thực hiện vào năm 2019.

Nhưng tới ngày 8/4/2019 (tức là quá hạn hơn 2 tháng so với hạn cuối nộp kế hoạch theo Văn bản của Chính phủ), Cục Điện ảnh mới có Công văn số 229/ĐA-VP về việc đăng ký kế hoạch đặt hàng và tạm đề xuất nhu cầu kinh phí sản xuất phim giai đoạn 2018- 2021, với 8 phim được đưa vào kế hoạch sản xuất (chưa tính phim tài liệu và phim hoạt hình), nhưng tới nay (tháng 7/2019) chưa được duyệt. Chỉ còn hơn 4 tháng nữa, thì lấy đâu phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ 21?

Khi phim vướng mắc từ kinh phí đến thẩm định kịch bản

Căn cứ văn bản của Văn phòng Chính phủ, thì Cục Điện ảnh là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai, đề xuất theo phương án phù hợp rồi trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi Bộ sẽ căn cứ báo cáo, đề xuất của Cục Điện ảnh đưa sang Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sau đó sẽ nộp Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Chậm trễ đến 5 tháng, ngày 5/6/2019, Cục Điện ảnh mới có Công văn báo cáo lãnh đạo Bộ chủ quản về kết quả họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện năm 2018, đến ngày 6/6/2019, có văn bản gửi Bộ về việc đề xuất nội dung liên quan đến kế hoạch đặt hàng và nhu cầu kinh phí sản xuất phim giai đoạn 2018- 2021.

Ban đầu, tổng kinh phí đặt hàng sản xuất phim truyện của năm 2018 là 155 tỉ đồng, với 8 phim được đưa vào kế hoạch sản xuất (chưa tính phim tài liệu và phim hoạt hình). Trong 8 phim truyện đó, có 3 phim đặt hàng Hội Điện ảnh Việt Nam với tổng kinh phí 64 tỉ đồng là: “Bình minh đỏ”, “Hồn trúc”, “Có một ngôi nhà để trở về” nhưng không được duyệt vì kinh phí quá cao.

Sau đó, Cục Điện ảnh điều chỉnh lại, tổng nhu cầu kinh phí đặt hàng sản xuất phim năm 2018 chỉ còn là 114.937.759.534 đồng (bao gồm cả phim tài liệu và phim hoạt hình..), so với số 155 tỉ của riêng 8 phim truyện là đã giảm, riêng 3 phim truyện được đưa vào kế hoạch sản xuất là: “Bình minh đỏ” với kinh phí sản xuất là 30 tỉ đồng, “Đất rừng phương Nam” và “Phượng cháy” mỗi phim 17 tỉ đồng.

Tưởng chừng đã có thể làm phim, nhưng rồi lại bị gián đoạn bởi khâu thẩm định xét chọn kịch bản phim không đúng thủ tục quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Điện ảnh hủy bỏ kết quả Họp hội đồng Trung ương về tuyển chọn kịch bản phim truyện vì Hội đồng chỉ có 3/9 người tham gia, không có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng. Phần khác, kinh phí đề xuất sản xuất phim truyện phục vụ mục tiêu chính trị lên đến hàng trăm tỉ đồng, vượt quá nhiều khả năng đáp ứng từ ngân sách Nhà nước.

Kể như các dự án của năm 2018 đều “ngâm” lại, chưa nói đến các dự án đặt hàng của năm 2019- 2021, chưa biết khi nào mới có thể khởi động?

Một phim có làm nên mùa xuân?

Năm 2018 có một phim do Nhà nước bỏ 70% số vốn để hợp tác với Galaxy sản xuất là “Thạch Thảo”, với nhiều tham vọng sẽ lặp lại kỷ lục của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” năm 2015. Nhưng “lực bất tòng tâm”, hay “tầm chưa đủ tới”, phim thất bại ngay tại phòng chiếu và trong giải Cánh diều vừa diễn ra tháng 4/2019 thì đây là phim được liệt vào hàng kém nhất nhì trong số phim tham dự giải. Do vậy, phim khó mà làm ứng viên đoạt Bông sen dù có tham dự LHPVN 21.

5 năm kể từ bộ phim truyện về đề tài chiến tranh “Đường xuyên rừng” được công chiếu rộng rãi, hãng phim Giải Phóng, nay là Công ty Cổ phần phim Giải Phóng- TP Hồ Chí Minh mới bắt tay vào thực hiện một dự án phim khác do Nhà nước đặt hàng sản xuất có tên gọi “Hợp đồng bán mình” vào cuối tháng 5/2019. Đây cũng là bộ phim đầu tiên có kinh phí sản xuất được trích từ ngân sách Nhà nước tính từ thời điểm sau khi hãng này thực hiện cổ phần hóa. Và đây cũng là phim Nhà nước đặt hàng đầu tiên được thực hiện năm 2019.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong chỉ đạo diễn xuất cho bộ phim "Hợp đồng bán mình".

Phim do nhà biên kịch đầy kinh nghiệm Nguyễn Mạnh Tuấn và đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện, Giám đốc hình ảnh Yzell Hbya, quay phim Tony Toàn Lê; Họa sỹ thiết kế Phan Huy Hiển và đảm nhận nhạc phim là nhạc sỹ Văn Tứ Quý; Giám đốc sản xuất Nguyễn Tiến Hưng. Bối cảnh quay chính trải dài từ Phan Thiết, Bình Thuận, Vũng Tàu và TP.HCM. Tham gia diễn xuất trong phim là nhiều gương mặt quen thuộc như: Minh Luân, Thùy Trang, Lâm Vissay, Hoa hậu Thủy Phạm, Hoa hậu Phan Hoàng Kim, Mai Huỳnh, Huy Cường...

Phim là câu chuyện mang tính thời sự “nóng”, về những bản hợp đồng hôn nhân, hợp đồng tình dục... không còn là hiếm trong xã hội. Một đại gia Việt kiều U60 bỏ ra 120 tỷ để giúp một cô gái trẻ cứu cha đang đối diện với cái chết và nợ nần, với điều kiện cô phải làm vợ ông ta trong 10 năm không được ly hôn. Bản hợp đồng hôn nhân mà cô gái ấy phải nhắm mắt ký vào đã biến cô trở thành một nàng Kiều thời @...

Nhưng cũng đặt ra câu hỏi, với số tiền đó ông ta có thể lấy cả hoa hậu thế giới, tại sao ông lại đổi lấy một cô gái bình thường đã hứa hôn? Người đàn ông đó là một đại gia? Một nhà từ thiện? Một mafia quốc tế núp bóng? Một kẻ buôn người? Tại sao người yêu cô gái lại bất lực trước cuộc mua bán trao đổi này? Tại sao ông bố tội nghiệp kia vẫn sống trong khi con ông ta coi như đã chết? Tại sao mọi người vẫn dửng dưng trước nỗi đau để nhận tiền bán mình của cô gái? Vậy tiền nhiều để làm gì?

Có thể trông đợi vào bộ phim duy nhất này được Nhà nước đặt hàng và do một Hãng phim Nhà nước thực hiện sau mấy kỳ vắng bóng để tham gia vào LHP Việt Nam lần thứ 21?./. 

Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN

 

Tệp đính kèm