Việc không đưa Ngoại trưởng Iran vào danh sách trừng phạt ở thời điểm này có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang “xuống thang” trong căng thẳng với Iran.
Mỹ đã quyết định sẽ không áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào thời điểm này, hai nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết, và nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể để ngỏ cánh cửa cho giải pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Reuters
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 24/6 nói rằng, ông Zarif có thể sẽ bị đưa vào danh sách đen trong tuần cuối tháng 6.
Việc đưa nhà đàm phán hàng đầu của Iran vào danh sách đen là một động thái bất thường vì điều đó có thể sẽ cản trở bất cứ nỗ lực nào của Mỹ trong việc sử dụng con đường ngoại giao để giải quyết những bất đồng với Iran về chương trình hạt nhân, các hoạt động trong khu vực và các vụ thử tên lửa của nước này.
Nguồn tin cũng không nêu lý do cụ thể về quyết định kể trên – một động thái diễn ra trong bôi cảnh căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng đột biến 2 tháng gần đây liên quan tới các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và việc Iran bắn rơi máy bay do thám của Mỹ.
“Những cái đầu lạnh hơn đã thắng thế. Chúng tôi nhận thấy điều đó không giúp ích gì”, một nguồn thạo tin giấu tên cho biết, đồng thời nói thêm rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phản đối việc đưa ông Zarif vào danh sách đen ở thời điểm này.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ thậm chí đã tính đến việc soạn một dự thảo thông cáo để tuyên bố về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran. Động thái này giống với quyết định của Tổng thống Trump hủy vào phút chót cuộc tấn công đáp trả Iran sau vụ bắn rơi máy bay do thám.
Ngoại trưởng Iran Zarif dự kiến sẽ tham dự phiên họp cấp bộ trưởng tại Liên Hợp Quốc vào tuần tới và phía Mỹ sẽ phải cấp thị thực cho ông Zarif. Đây có thể là một trong các lý do Mỹ đang hoãn các biện pháp trừng phạt ở thời điểm này.
Zarif nói không có tài sản ở Mỹ
Khi được hỏi vì sao ông Zarif vẫn chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt, một người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ đề cập tới một bình luận hôm 9/7 của một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Tổng thống Trump rằng, “Mỹ đang khai thác nhiều cách để bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Rõ ràng, Ngoại trưởng Zarif là một yếu tố của lợi ích chính và chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn khi có thêm thông tin”.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa phản hồi về quyết định kể trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 11/7 nói rằng, Mỹ muốn một giải pháp ngoại giao, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông sẵn sàng gặp [lãnh đạo-ND] Iran “mà không có điều kiện tiên quyết”.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đồng minh đề nghị Iran hạ nhiệt căng thẳng, không đụng chạm tới các đồng minh hay lợi ích của Mỹ và không đe dọa khu vực”, bà Ortagus nói.
Ở thời điểm đưa ra tuyên bố cuối tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin không nói những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp đặt đối với Ngoại trưởng Iran Zarif. Thời điểm đó, ông đã thông báo với các phóng viên về các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ hoặc các tài sản nằm trong quyền phán xử của Mỹ.
Ngày 4/7, New York Times dẫn lời Ngoại trưởng Zarif nói rằng, ông không có bất cứ tài sản nào hoặc tài khoản ngân hàng nào bên ngoài Iran.
“Vì thế tôi không có vấn đề cá nhân nào với các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra với tôi”, ông nói.
Mỹ tìm kiếm giải pháp ngoại giao
Tổng thống Trump nói rằng ông để ngỏ việc đàm phán với Iran. Tuy nhiên, các cựu quan chức Mỹ nói rằng họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Trump quan tâm đến việc đối thoại về các điều khoản khác ngoài sự thỏa hiệp của Iran trước các yêu cầu của Mỹ.
Như Ngoại trưởng Pompeo đã nói hồi năm ngoái, những yêu cầu này gồm việc Iran chấm dứt làm giàu urani, cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tiếp cận các khu vực hạt nhân trên khắp cả nước, trả tự do cho các công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran và rút các lực lượng Iran khỏi Syria.
Các cựu quan chức giấu tên cho biết, quyết định không trừng phạt Ngoại trưởng Zarif có thể là điều ám chỉ việc Mỹ muốn theo đuổi lựa chọn ngoại giao ngay cả khi nó dường như không khắc chắn ở thời điểm này.
Một số quan chức chính quyền Trump dường như “đặc biệt thù địch” với ông Zarif, có thể là vì ông đã ám chỉ họ là “nhóm B” – những người “ghét bỏ ngoại giao và khát chiến tranh”.
Nếu Mỹ muốn đàm phán với Iran, họ có thể gửi đi các tín hiệu hòa giải khác. Một trong số đó có thể là cho phép có sự ổn định trong xuất khẩu dầu của Iran, vốn từng ở mức 2,5 triệu thùng/ngày trước khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đã tụt xuống chỉ còn 300.000 thùng kể từ sau quyết định hồi tháng 5 của ông Trump về nỗ lực đưa con số này về 0.
Ngoài ra, Mỹ có thể làm mới lại các lệnh miễn trừ trừng phạt, để cho phép một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục mua dầu mỏ của Iran, Mỹ có thể “mắt nhắm mắt mở: đối với việc tiếp tục mua dầu. Tuy nhiên, khả năng này khó có thể xảy ra sau khi Anh bắt giữ siêu tàu chở dầu Grace 1 ngoài khơi Gibraltar hồi tuần trước với cáo buộc con tàu này vi phạm trừng phạt khi chở dầu mỏ Iran tới Syria.
Một gợi ý khác có thể là chính quyền Trump sẽ gia hạn miễn trừ trừng phạt – sẽ hết hạn vào đầu tháng 8 – cho phép Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu theo đuổi các dự án hạt nhân dân sự với Iran.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN