Cập nhật: 15/07/2019 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ xây dựng những bể chứa dung tích lớn để thu giữ nước mưa, lắp đặt máy lọc nước biển thành nước ngọt, một số đảo còn khơi được những giếng nước bình dị giúp Trường Sa "thay da đổi thịt."

Nguồn nước ngọt được lọc từ nước biển tại Đảo An Bang. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Không chỉ có hồ, bể tích trữ nước mưa, hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, một số đảo lớn ở quần đảo Trường Sa còn khơi được những giếng nước trong veo, thân thuộc như những giếng làng quê đầy sức sống ở đất liền…

Sử dụng nước ngọt “3 trong 1”

Không phải thời kỳ đầu những người lính hải quân Lữ đoàn 125 ra giải phóng Trường Sa mới “khát” nước ngọt, mà ngay cả bây giờ, nước ngọt vẫn là “hàng hiếm.” Không chỉ đảo chìm, mà ngay cả đảo nổi như Trường Sa lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, nước ngọt cũng hạn chế vào mỗi mùa khô.

Trong bối cảnh điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những người lính Trường Sa trên các điểm đảo và các nhà giàn luôn phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Dẫu vậy, nguồn nước tại “quần đảo bão tố” này vẫn luôn đảm bảo cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, và công việc tăng gia sản xuất hàng ngày.

Chia sẻ về cách sử dụng nước tiết kiệm trên, Đại úy Hoàng Thế Anh, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B chia sẻ: “Vào mùa khô, mỗi chiến sỹ chỉ có 12 lít/ngày cho mọi sinh hoạt, từ đánh răng, rửa mặt, đến tắm, giặt. Vì thế, khi nấu cơm, các chiến sỹ thường rửa rau, củ, quả bằng nước biển rồi sau cùng mới dùng nước ngọt để tráng. Nước tráng này được dùng để vo gạo, nước vo gạo lại dùng để tưới rau.”

Với quy trình sử dụng nước “3 trong 1” trên, nguồn nước ngọt trên đảo Thuyền Chài B không những được tận dụng tối đa, mà còn giúp rau xanh phát triển tốt tươi.

Cũng như đảo Thuyền Chài B, tại các đảo chìm khác như Tốc Tan C, Đá Tây A hay Đá Lớn B,… nguồn nước ngọt từ nước mưa, nước lợ lọc từ nước biển cũng được các cán bộ, chiến sỹ khai thác, đảm bảo không thiếu nước. Chỉ cần nhìn vào những “vườn rau thanh niên,” những góc sân đầy màu xanh của cây lá, cũng dễ dàng hình dung các chiến sỹ đã tận dụng và sử dụng nước ngọt hiệu quả thế nào.

Thượng tá Lương Quốc Anh, Phó tham mưu trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, trước đây, khi chưa có hệ thống máy lọc nước ngọt và bể chứa nước mưa, lượng nước ngọt trên đảo rất hiếm, chủ yếu được cung cấp từ đất liền và từ nước mưa. Thế nên các đảo phải dùng mọi cách để thu nhận và dự trữ nước mưa. Mùa nắng gắt, bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ chỉ được sử dụng khoảng 6 lít/ngày.

Tuy nhiên, từ năm 2014, nguồn nước ngọt trên các điểm đảo và nhà giàn đã dần được cải thiện. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngoài hệ thống bể chứa nước dự trữ, một số đảo còn được trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Thiết bị này được đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng khá hiệu quả. Từ nguồn nước đầu vào (nước biển) và đầu ra (nước ngọt) đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Hiện nay, mỗi giờ, thiết bị lọc nước biển trên có thể lọc được trên dưới 50 lít nước ngọt, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phục vụ nhu cầu tưới tiêu, tăng gia sản xuất ở trên đảo. Quan trọng hơn là, việc cải thiện nguồn nước này đã giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, chủ động hoàn thành nhiệm vụ của bản thân và của đảo.

Đơn cử như tại đảo Sinh Tồn Đông, nếu như trước đây, thiếu nước ngọt là chuyện xảy ra thường xuyên “như cơm bữa,” thì nay với sự chung tay của đất liền, máy lọc nước biển thành nước ngọt được vận chuyển ra lắp đặt, đã đáp ứng đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sử dụng của cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Nhờ có nước ngọt, cây cối, rau xanh trên đảo cũng phát triển tốt tươi hơn. Minh chứng là, chỉ trong năm 2018, đảo Sinh Tồn Đông đã sản xuất được hơn 6 tấn rau xanh các loại, đảm bảo tiêu chuẩn rau ăn 3 bữa cho các cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Đồng thời đảm bảo nguồn nước để nuôi lợn, chăn gà vịt, tăng gia sản xuất.

Đến nay, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã được lắp đặt ở hầu hết các điểm đảo. Nước sạch sau khi được sử dụng sẽ thẩm thấu vào đất tạo nguồn nước ngầm, giúp cho cây cối trên đảo phát triển tốt tươi, tạo nên màu xanh giữa lòng biển khơi. Nhờ nguồn nước ngọt này, các đảo còn có điều kiện hỗ trợ nước cho các tàu bè và ngư dân đánh bắt cá trên quần đảo Trường Sa mỗi khi thiếu nước...

Hệ thống bể chứa nước ngọt dự trữ tại Đảo Đá Đông C. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Trong đoàn công tác số 9 ra thăm quần đảo Trường Sa lần này, có một người lính đặc biệt. Ông từng là Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam. 25 năm trước, ông chia tay Trường Sa về đất liền sau 2 năm công tác. Người lính ấy hiện là Đại tá Dương Minh Hiền, Phó chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An.

Trở về đất liền, ông Hiền vẫn luôn mong muốn được trở lại thăm Trường Sa, nơi ông xem như ngôi nhà thứ 2 của mình. Nhớ lại năm tháng ở trên đảo, ông Hiền chia sẻ: “Tôi nhớ như in cơn bão quét qua đảo năm 1992, toàn bộ nước ngọt bị cuốn đi. Để có nước sinh hoạt, chúng tôi tự chế bình chưng cất nước biển với một nồi quân y, một chiếc vòi của mặt nạ phòng chống độc và một can nhựa lớn. Nhờ vậy mà chúng tôi đã bám biển cho đến khi được hỗ trợ từ đơn vị.”

Nhấp ngụm nước lọc ngay trên đảo Thuyền Chài B, một trong những đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam năm xưa nở nụ cười giòn tan: “Giờ thì các đảo, kể cả đổi nổi, đảo chìm đã không còn phải lo xa nước ngọt nữa rồi. Không những thế, các đảo còn hỗ trợ được nước ngọt cho ngư dân trên biển.”

“Giếng đảo” giữa lòng Trường Sa!

Không chỉ xây dựng những bể chứa nước dung tích lớn để thu giữ nước mưa, lắp đặt máy lọc nước biển thành nước ngọt, một số đảo ở quần đảo Trường Sa còn khơi được những giếng nước bình dị, thân thuộc như ở đất liền, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và tăng gia sản xuất của quân, dân trên đảo.

Dạo bước theo các con đường dưới những tán lá bàng vuông, phong ba, bão tố quanh đảo Trường Sa lớn trong một buổi chiều nắng biển mặn mòi, những vị khách từ đất liền lần đầu ra thăm không khỏi khỏi ngỡ ngàng trước cảnh lũ trẻ nô đùa trong những chậu nước trong veo vừa múc từ giếng lên tắm gội… Dân đảo lấy nước tưới từ giếng những luống rau tốt tươi trong vườn nhà.

Câu chuyện đào giếng khơi dòng ở đảo Trường Sa lớn vào năm 1988 được ông Nguyễn Viết Nhất kể lại với phóng viên báo chí chẳng khác gì “thước phim lịch sử” tái hiện những ngày tháng khó khăn. Hồi đó, ông Nhất mang quân hàm Trung úy, Phó đại đội trưởng của Đại đội 1, Tiểu đoàn 881, Trung đoàn 131 Công binh Hải quân. Ông vừa là cán bộ quản lý, vừa trực tiếp tham gia đào giếng tại đảo.

“Trường Sa hồi đó thiếu thốn đủ bề. Để sinh tồn, những người lính công binh Hải quân quanh năm phải vật lộn với nắng gió, cấp bách xây đảo. Nước ngọt được chở từ đất liền ra chủ yếu để xây dựng công trình. Còn anh em chúng tôi, mỗi tuần tắm một lần, mỗi người mỗi ngày một lít nước cho mọi sinh hoạt,” ông Nhất nhớ lại.

Trong bối cảnh điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những người lính Trường Sa trên các điểm đảo và các nhà giàn luôn phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Cứ thiếu nước thế này sẽ không ổn. Vậy lấy đâu ra nước ngọt cho sinh hoạt bây giờ? Có nên đào giếng không? Liệu đào rồi, nước giếng sẽ mặn hay ngọt khi quanh đảo đâu đâu cũng mặn chát? Mà không thử sao biết có hay không. Cứ đào cái đã!

Nói là làm. Những ngày sau đó, ông Nhất cùng đồng đội ban ngày làm nhiệm vụ, đêm xuống lại tranh thủ đào xuyên qua những lớp đá cứng trong điều kiện thiếu thốn tưởng như khó có thể vượt qua. Quyết không bỏ cuộc, sau một thời gian dùng búa chim bổ xuống mặt đảo, dòng nước đầu tiên cũng được khơi nguồn.

Đầu tháng 2/1988, những người lính đảo vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy trong lòng giếng có nước, cách mặt đảo 3 mét. Một số chiến sỹ chạy về doanh trại lấy xô nhôm, buộc dây thừng thả xuống múc nước... Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Nỗi buồn lộ rõ trên khuôn mặt của những chàng lính trẻ khi biết đó là nước lợ, không thể nào uống được.

“Không uống được thì để dùng xây đảo. Nghĩ vậy, ngày hôm sau, chúng tôi múc nước giếng lên trộn hồ, nhưng vì nước lợ nên hồ trộn không nhuyễn. Khi xây thử nghiệm, tường vẫn bình thường, nhưng hôm sau lại ngả màu trắng và bong từng lớp hồ do muối mặn,” ông Nhất thẫn thờ nói.

Biết không thể xây công trình, từ đó chiến sỹ trên đảo đã sử dụng nước giếng để tắm giặt, tưới cây. Sau những giờ thao luyện, họ lại ra giếng dội nước lên người. Chính những xô nước lợ ấy đã giúp họ yên tâm bám đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

“Bạn thử nghĩ xem, nếu không có nước giếng này, trong khi hơn nửa năm rồi trời không đổ một cơn mưa thì nơi đây cây cối có thể tốt tươi được thế này không. Nói điều này để thấy, giếng nước đã góp phần tăng thêm ‘sức sống’ cho cây lá, cũng như làm mát dịu hơn cho đảo,” Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Ðinh Trọng Thắm chia sẻ.

Theo lời ông Thắm, đối với người dân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo, giếng nước ngọt giống như một bầu sữa quý giá giữa trùng khơi. Trong điều kiện nguồn nước gặp nhiều khó khăn, chính nước giếng này đã góp phần “nuôi lớn” những hàng cây bàng vuông, phong ba, bão táp và nhiều loại cây ăn trái được mang từ đất liền ra chăm sóc. Nhờ có nguồn nước tưới cây, từ năm 2018 đến nay, đảo Trường Sa lớn đã trồng thêm được 1.547 cây bóng mát; rau muống biển phủ xanh 107.000m2 đất trống...

“Ở đây nước ngọt luôn là thứ hàng hiếm, cần nhất. Không thể tưởng tượng được cuộc sống của người dân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo sẽ như thế nào nếu không có giếng nước ngọt này,” chị Nguyễn Thị Phương Dung, một hộ dân ở trên đảo Trường Sa lớn, ưu ái dành chữ “nước ngọt” cho giếng nước lợ đào giữa trùng khơi.

Hiện nay, toàn quần đảo Trường Sa có 3 đảo lớn là Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa lớn có giếng. Những giếng nước được khơi dòng gần 30 năm trước đến nay đã được cải thiện, giúp những hàng cây trải dài khắp các đảo lớn, đảo nhỏ ở Trường Sa có một màu xanh đầy sức sống như những làng quê ở đất liền…/.

Nước ngọt đã góp phần tăng thêm “sức sống” cho cây lá, cũng như làm mát dịu hơn cho đảo. (Ảnh: TVĐCT/Vietnam+)

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bai-2-bau-sua-quy-giua-trung-khoi-giup-truong-sa-thay-da-doi-thit/581738.vnp

Tệp đính kèm