Sau tám năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, du lịch của các tỉnh khu vực này có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch tại đây vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển mạnh hơn nữa, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
Du khách tham quan vườn hoa tam giác mạch tại Hà Giang. Ảnh: BẢO TRUNG
Bài 1 : Đánh thức tiềm năng
Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng; cải thiện hạ tầng, môi trường; ban hành các cơ chế, chính sách tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho nhà đầu tư; tăng cường liên kết vùng; làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá... là các giải pháp mà các tỉnh trong vùng Tây Bắc mở rộng đã triển khai trong những năm gần đây. Nhờ đó, số lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng mạnh so với trước.
Thu hút nguồn lực đầu tư
Hiếm có vùng đất nào lại sở hữu nhiều tiềm năng du lịch như Tây Bắc. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Vùng đất ghi dấu nhiều chiến công hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống. Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, tháng 6-2010, lãnh đạo tám tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang đã ký Chương trình hợp tác phát triển du lịch, gồm các hoạt động hợp tác trên bốn lĩnh vực: Cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Dựa trên chương trình khung, hằng năm, các tỉnh thống nhất triển khai hoạt động hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực. Từ đó, mỗi tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và chiến lược phát triển chung của vùng.
Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch là công việc được các địa phương ưu tiên triển khai đầu tiên. Tỉnh Điện Biên phối hợp các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, đề án thực hiện nội dung Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, để bảo đảm đủ tiêu chí của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Sơn La triển khai các bước quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đánh giá thế mạnh du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Hà Giang huy động nguồn kinh phí 50 tỷ đồng thuê đơn vị có kinh nghiệm lập quy hoạch phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên Đồng Văn và TP Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, để từng bước triển khai các giải pháp cụ thể...
Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhưng hầu hết các tỉnh Tây Bắc là các tỉnh nghèo. Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư đòi hỏi các địa phương phải xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhờ đó, đến nay, một số doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án về du lịch ở vùng này. Tại Lào Cai, riêng trong năm 2018, vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án phục vụ du lịch lên đến 5.800 tỷ đồng, trong đó, một số dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động như cáp treo Phan-xi-păng, tàu hỏa leo núi, công viên, khu sinh thái Việt Nhật và các khách sạn năm sao tại huyện Sa Pa… Tỉnh Hòa Bình thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch; UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư năm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, với tổng số vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng... Hiện các nhà đầu tư đang khảo sát các dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân gôn tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc… Tại Sơn La, các doanh nghiệp đang triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi cao cấp rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu với số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, các khu du lịch sinh thái Dải Yếm, Tà Xùa với số vốn đầu tư mỗi dự án hơn 50 tỷ đồng… Tại Hà Giang đang thi công dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn); làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc)… cùng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong vùng, hứa hẹn tạo nhiều đột phá về du lịch trong thời gian tới.
Khẳng định thương hiệu “du lịch cộng đồng”
Cùng với thu hút nguồn lực đầu tư, các địa phương phát triển nhiều loại hình du lịch, trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Trong số đó, du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của du lịch Tây Bắc. Tỉnh Hòa Bình là địa phương tiên phong thúc đẩy loại hình du lịch này, được nhiều tỉnh đến tham quan học tập. Tỉnh hiện có hơn 140 hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó Khu du lịch bản Lác, Mai Hịch (Mai Châu) và khu du lịch Đá Bia của huyện Đà Bắc được trao giải “Những điểm du lịch cộng đồng có chất lượng và đạt tiêu chuẩn môi trường xanh” của ASEAN.
Tại Lào Cai, với chương trình “biến di sản thành tài sản” và “mỗi cộng đồng, mỗi làng, bản có một sản phẩm đặc trưng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo”, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 13 điểm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà, thu hút rất đông khách du lịch, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đến điểm du lịch cộng đồng ở xã Tả Van (huyện Sa Pa) vào một ngày hè, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy trẻ em người nước ngoài nô đùa với trẻ em người dân tộc thiểu số rất tự nhiên, vui vẻ và thân thiện. Từng tốp du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang, thắng cảnh suối Mường Hoa, học cách dệt sợi lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên thổ cẩm…, theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” địa phương. Chị Pô-lin In-lơ-dăm, người Pháp lưu trú tại homestay thôn Tả Van Giáy 2 chia sẻ: “Gia đình tôi chọn tua du lịch cộng đồng để được nghỉ tại nhà dân trong bản, tìm hiểu văn hóa và tập quán của họ”. Chủ tịch UBND xã Tả Van Lý Văn Hiển cho biết, cụm homestay Tả Van Giáy 1 là một trong năm cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Hiện ở địa phương có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng, vào mùa cao điểm, mỗi ngày có từ 200 đến 300 khách lưu trú trong thôn.
Bản Hủa Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) nằm ở độ cao gần 1.000 m, sát chân đèo Khau Phạ thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ mấy năm nay thu hút được nhiều khách du lịch, bởi không khí trong lành, mọi tập quán, sinh hoạt của người Mông vẫn được giữ nguyên bản sắc. Khang A Chua, chàng trai dân tộc Mông, 29 tuổi, quản lý khu du lịch sinh thái Mù Cang Chải Ecolodge cho biết: Lượng khách du lịch lưu trú chủ yếu là người Pháp, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó khách Pháp chiếm 70%. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt Trang Thế Sửu cho biết, làm du lịch cộng đồng giúp cuộc sống của người dân ngày một khấm khá, con em trong độ tuổi đều được đến trường. Cho đến nay, tỉnh Yên Bái có hơn 120 hộ dân làm du lịch cộng đồng tập trung tại thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình.
Lai Châu phát triển loại hình du lịch này muộn hơn, nhưng đến nay có bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), bản Lao Chải 1 (xã Khun Há), bản Thẳm (xã Bản Bo) đều thuộc huyện Tam Đường… làm du lịch cộng đồng khá tốt. Tại các bản này, hoạt động sản xuất nông nghiệp đều gắn với dịch vụ du lịch. Các hộ dân trồng cây địa lan và một số cây ăn quả ôn đới, vừa tạo cảnh quan, vừa phục vụ nhu cầu thưởng lãm, trải nghiệm việc thu hái trái cây của du khách. Người dân trong bản tự góp đất xây dựng thành chợ phiên của bản họp vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, làm nơi tiêu thụ nông sản địa phương, đồng thời cũng là nơi khách du lịch trải nghiệm, mua sắm nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống. Theo Trưởng bản Vàng A Chỉnh, từ ngày mở cửa làm du lịch đến nay, đời sống của người dân được cải thiện, hầu như hộ nào cũng có thu nhập từ dịch vụ du lịch. Hộ ít thì vài chục triệu đồng/năm, hộ nhiều thì vài trăm triệu đồng/năm. Nhiều hộ đang dự định mở dịch vụ homestay, trồng thêm một số cây ôn đới đặc thù tạo thêm không gian khám phá trải nghiệm cho khách du lịch khi đến với bản.
Bước đầu hình thành các tua liên kết
Những năm gần đây các tỉnh Tây Bắc đều tập trung đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phù hợp lợi thế của địa phương. Đơn cử các lễ hội gắn với sản phẩm nông nghiệp như lễ hội trà Mộc Châu, ngày hội xoài Yên Châu, các tua tham quan đồi chè, trang trại bò sữa, vườn hoa cải, hoa lan, dâu tây ở Mộc Châu, đã đưa Sơn La trở thành điểm đến hấp dẫn ở thị trường du lịch miền bắc. Năm 2018, lượng khách du lịch đến tỉnh này đạt hơn hai triệu lượt, không chỉ mang lại doanh thu lớn, mà còn thúc đẩy người dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái. Tỉnh Yên Bái tập trung đầu tư sản phẩm du lịch mạo hiểm với việc tổ chức sự kiện “Bay trên mùa vàng” vào tháng 9 hằng năm. Năm 2013 - năm đầu tiên tổ chức, thu hút hơn 1.000 người tham dự, sau 5 năm tổ chức, con số này lên hơn 20 nghìn người. Từ năm 2017, huyện tổ chức thêm sự kiện “Bay trên mùa nước đổ” vào tháng 5. Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Thị Xuyến cho biết: Trước đây Mù Cang Chải là vùng đất nghèo khó, xa xôi, ít người biết đến. Nay hình ảnh những cánh dù bay lượn trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải trong mùa nước đổ tháng 5, mùa vàng tháng 9, được báo chí ngợi ca, giúp cuộc sống người dân địa phương được nâng lên.
Những năm gần đây, các tỉnh xây dựng được một số sản phẩm du lịch mới, đó là du lịch thể thao như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà (Lào Cai); Giải ma-ra-tông leo núi quốc tế, Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp địa hình Xín Mần (Hà Giang) - Bắc Hà (Lào Cai). Các tua du lịch chinh phục đỉnh cao như đỉnh Ky Quan San, đỉnh Lảo Thẩn (Lào Cai), các đỉnh Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn (Lai Châu)… thu hút nhiều bạn trẻ tham gia trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng chú trọng liên kết du lịch, không chỉ liên kết giữa các tỉnh lân cận, mà còn liên kết giữa các tỉnh trong vùng với một số trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiêu biểu như các chương trình: “Du lịch về nguồn” liên kết giữa các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; “Du lịch tâm linh lưu vực sông Hồng” giữa Yên Bái và Lào Cai , “Du lịch cung đường Tây Bắc” giữa Lào Cai và Lai Châu... Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Đình Dũng, hoạt động liên kết du lịch góp phần đưa số lượng khách và doanh thu ngành du lịch của ba tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 16,7%/năm. Hai tỉnh Sơn La, Điện Biên những năm gần đây liên kết các hãng lữ hành của Hà Nội tổ chức tua du lịch từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên. Điểm nhấn trên hành trình là cao nguyên Mộc Châu, đỉnh Pha Luông, Tà Xùa (Sơn La); di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, ngã ba biên giới A Pa Chải, hồ Pá Khoang, cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên). Chương trình du lịch được thiết kế hài hòa giữa tham quan danh lam, thắng cảnh với thưởng thức vẻ đẹp văn hoá của các địa phương…
Đánh giá về kết quả quá trình thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý, kiêm Trưởng nhóm hợp tác cho biết: Hoạt động liên kết giúp các địa phương đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đánh thức các tiềm năng du lịch. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Những năm gần đây, khách du lịch đến với các tỉnh Tây Bắc tăng mạnh. Năm 2015, số khách du lịch đến Tây Bắc đạt 13 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt người; đến hết năm 2018, tổng số khách du lịch tăng lên 20,2 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch. Những con số này là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, khẳng định hướng đi, cách làm đúng đắn của mô hình liên kết giữa tám tỉnh.
(Còn nữa)
NHÓM PVTT CÁC TỈNH TÂY BẮC
Theo nhandan.com.vn