Mặc dù những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi nhưng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của lực lượng chức năng của tỉnh đã góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sau một thời gian theo dõi, mai phục, tháng 4/2019, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt tang Công ty TNHH thương mại Khánh Hà có địa chỉ tại Khu Đồi Ấm, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường đang sản xuất ống nhựa uPVC giả nhãn hiệu. Tại thời điểm phát hiện, các đối tượng đang sản xuất ống nhựa uPVC giả nhãn hiệu SINO của Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ, địa chỉ: Cụm công nghiệp Liên Phương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Quá trình làm việc, các đối tượng khai nhận: Ngoài làm giả ống nhựa uPVC nhãn hiệu SINO, các đối tượng này còn sản xuất nhiều ống nhựa uPVC giả nhãn hiệu ASICO của Công ty cổ phần nhựa Châu Á, địa chỉ: Lô C4, khu công nghiệp Tráng Duệ, An Dương, Hải Phòng. Cơ quan cảnh sát đã tiến hành thu giữ trên 4.700 ống nhựa giả có giá trị tương đương hàng thật khoảng 600 triệu đồng; tạm giữ máy móc phục vụ sản xuất ống nhựa giả.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô không lớn nhưng với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng nguồn nguyên liệu có giá thành, chất lượng thấp, trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất hàng hóa sau đó dán nhãn mác của các thương hiệu có uy tín trên thị trường. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website, tài khoản facebook, quảng cáo hàng hoá, chào bán hàng qua mạng. Đây là phương thức phân phối hiện đại, ngày càng phổ biến. Qua đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Phổ biến là các mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép...gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất dấu hàng hóa của các đối tượng để xử lý.
Trong 6 tháng đầu 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 638 vụ vi phạm hành chính với 655 đối tượng. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã khởi tố hình sự 25 vụ buôn bán hàng cấm và sản xuất buôn bán hàng giả với 35 bị can. Góp phần kịp thời ngăn ngừa các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Để kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Theo dõi sát diễn biến của thị trường hàng hóa, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh./.
Phương Liên