Cập nhật: 31/07/2019 08:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây, thế nhưng loại hình du lịch này đang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).

Gắn với văn hóa bản địa

Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông, đi lên từ nông nghiệp, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm. Nền nông nghiệp của tỉnh phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa cảnh, trái cây, thủy sản. Nông dân Đồng Tháp hồn hậu và mến khách; các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ,... là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Dù mới hình thành trong một thời gian ngắn nhưng loại hình nông nghiệp tại Đồng Tháp bước đầu đã góp phần làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người cũng như văn hóa Đồng Tháp.

Một sáng cuối tuần giữa tháng bảy, chúng tôi có mặt tại Làng hoa Sa Đéc (xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp). Dù không phải là mùa xuân nhưng có rất nhiều loài hoa nơi đây đang đua nhau khoe sắc. Tồn tại hơn 100 năm, làng hoa Sa Đéc là nơi chuyên sản xuất hoa, kiểng quanh năm, cung cấp hơn ba nghìn loài hoa kiểng khác nhau, như: hoa hồng, cúc, sứ, bonsai, kiểng cổ, kiểng lá,... cho nhiều địa phương trong cả nước.

Kể từ năm 2015, khi đề án Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2015 - 2020) ra đời, Làng hoa Sa Đéc khoác lên mình một chiếc áo mới, tươi đẹp hơn để phục vụ du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Giờ đây, làng hoa đã có hẳn con đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao trải dài tuyệt đẹp. Và những khu vườn hoa kiểng Hai Cao, hoa kiểng Happy land Hùng Thy, vườn hoa kiểng Ngọc Lan,... được xem là những khu vườn kiểu mẫu phục vụ du khách trong và ngoài nước. Nơi này còn có hai homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Ngôi nhà Tre - Phong Levent, là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Một điều thú vị khi đặt chân đến làng hoa Sa Đéc, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng. Ông Cao Văn Hai, chủ vườn hoa kiểng Hai Cao bộc bạch: “Gia đình tôi làm nghề nông từ bao đời nay. Giờ mảnh vườn của gia đình không chỉ trồng hoa, kiểng bán cho thương lái mà còn phục vụ khách tham quan. Mà khách đến đây dễ thương lắm, họ thích sự mộc mạc của mình, thích nghe giới thiệu về hoa, về vùng đất Sa Đéc”.

Nhờ phát huy được thế mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, trong năm qua, lượng khách du lịch đến TP Sa Đéc đạt hơn một triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 41 nghìn lượt.

Huyện Lai Vung có các vườn quýt hồng, cam xoàn, quýt đường từ lâu nổi tiếng cả nước. Hơn bốn năm nay, thấy được lợi thế của địa phương (là sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp mà hiếm nơi nào có được), lần lượt các hộ dân đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch tham quan. Đến nay, toàn huyện Lai Vung có chín điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn khai thác phục vụ khách tham quan du lịch. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lai Vung, từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 75 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 24 tỷ đồng.

Ngoài hai địa phương trên, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn có một số điểm du lịch như: Homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông), làng rau nhút thủy sinh (Cồn Phú Mỹ, huyện Thanh Bình), trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofam(huyện Thanh Bình), Hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt (huyện Hồng Ngự),… đang được ngành du lịch cũng như địa phương tập trung đầu tư để khai thác phát triển du lịch gắn với các giá trị nông nghiệp và văn hóa truyền thống bản địa.

Những năm gần đây, Đồng Tháp tập trung xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đây là yếu tố quan trọng và cũng là cơ hội để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.

“Hiện nay nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu nông trại, trang trại, vườn cây ăn trái,… gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa Đồng Tháp ngày một tăng, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho biết.

Hướng tới chuyên nghiệp và phát triển bền vững

Du khách tìm đến các điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp ngày một nhiều là điều đáng mừng. Thế nhưng, do loại hình du lịch này tại Đồng Tháp chỉ mới hình thành nên còn mang nặng tính tự phát, hiệu quả thấp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn sơ, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho du khách.

Ông Ngô Quang Tuyên cho biết, các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch của tỉnh còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách. Tháng 6-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho các hộ làm du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại Quảng Nam và một số tỉnh trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức làm du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít chuyến đi thực tế như thế. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.

Để du lịch nông nghiệp của tỉnh đi vào bài bản, chuyên nghiệp và phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp tập trung nhiều giải pháp. Cụ thể, tuyên truyền để người dân địa phương phải ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch nông nghiệp cho địa phương, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến. Cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây chương trình du lịch, dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp như: xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp sạch - công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp phải được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch.

Khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế về loại hình du lịch nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch Đồng Tháp bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát và hỗ trợ các điểm nhà vườn, nông trại, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao để chọn lựa mô hình có đủ điều kiện để phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm. Xây dựng một số mô hình trình diễn về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp tham quan và du lịch trải nghiệm.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình,… kết nối với các tuyến du lịch, các khu di tích, văn hóa, lịch sử để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Đồng Tháp đang là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp mà ít nơi nào có được. Là một trong những loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh và còn khá mới mẻ ở địa phương này, do đó đòi hỏi sự kiên trì, chung tay làm du lịch nông nghiệp của các ngành chức năng, của chính những người nông dân Đồng Tháp để loại hình du lịch này phát triển một cách bền vững.

Du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm trồng hoa tại điểm Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch.

Trải nghiệm bắt cá ở điểm du lịch Homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông, Đồng Tháp).

HỮU NGHĨA

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm