Viết tiếp trang sử của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, hậu duệ của đội hùng binh trên đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển đến cùng, tạo dựng phên dậu vững chắc trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đội tàu cá hùng hậu của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Khát khao chinh phục đại dương
Sinh trong một gia đình chẳng có ai làm nghề biển nhưng từ thuở nhỏ, Nguyễn Gia Viên (ở xã An Vĩnh) luôn khao khát được vùng vẫy giữa biển khơi đánh bắt hải sản. Để thỏa mãn niềm đam mê chinh phục đại dương cùng với bạn chài, Viên phải bao lần nằn nì, thuyết phục, gia đình mới chấp nhận. “Học hết lớp 9 thì cha mẹ đồng ý cho tôi đi biển. Thú thật, khi ấy tôi mừng hết lớn, chạy đi khoe khắp xóm làng”, Viên nhớ lại.
Những chuyến đầu theo tàu cá ra khơi xa bị say sóng nôn đến “mật xanh, mật vàng” nhưng Viên không nản chí, vẫn quyết tâm bám biển đến cùng. Nhờ lòng can đảm và ý chí sắt đá nên chỉ sau một vài năm, Viên đã trở thành một ngư dân thực thụ, thợ lặn cừ khôi ở Lý Sơn.
Ra khơi bám biển, đương đầu trước nhiều cơn bão tố cùng với cha anh từ năm 13 tuổi, đến giờ biển để lại trong ký ức ngư dân Bùi Văn Phải (ở xã An Hải) đầy ắp những kỷ niệm. Biển khơi đã tôi luyện, hun đúc ngư dân Phải trở thành một thuyền trưởng đầy bản lĩnh biển trời, không hề run sợ và khuất phục trước thiên tai và nhân tai.
Cách đây hơn sáu năm, trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 96382 TS do ngư dân Phải làm thuyền trưởng bị tàu nước ngoài trắng trợn rượt đuổi, tiến công bắn cháy ca-bin tàu cá. Trong lúc hiểm nguy đến tính mạng nhưng anh cùng các bạn chài xả thân mình cứu tàu, giữ cờ Tổ quốc tung bay trên vùng biển đảo thân yêu của đất nước. Hành động dũng cảm của ngư dân trẻ Bùi Văn Phải đã được T.Ư Đoàn trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Ở đảo Lý Sơn còn rất nhiều, rất nhiều ngư dân trẻ mang trong mình niềm tự hào là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa. Vì thế, mỗi khi đưa tàu ra khơi xa, các ngư phủ trẻ như những hiệp sĩ sống vì biển, chết vì biển nên chẳng ngại ngần sóng to, gió lớn.
Điển hình như thợ lặn Bùi Văn Chung (ở xã An Hải) dù bị mù một mắt, cụt một tay sau một tai nạn trên biển nhưng với tình yêu biển, khát khao chinh phục đáy đại dương, suốt nhiều năm qua, anh vẫn cùng bạn chài ngày đêm can trường bám biển Hoàng Sa mưu sinh. Đối với những ngư dân bình thường, việc lặn sâu 50 - 60 m săn tìm hải sản dưới lòng đại dương không phải ai cũng làm được. Song thợ lặn Chung - thợ lặn tàn phế duy nhất trên đảo Lý Sơn vẫn kiên cường bám lòng biển sâu khiến những thợ lặn trên đất đảo đều khâm phục. Ý chí vượt qua nghịch cảnh của chính bản thân và tính cần mẫn trong công việc đã khẳng định cuộc đời của Chung “tàn nhưng không phế”.
“Đưa tàu ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh là mệnh lệnh từ trái tim trong mỗi ngư dân Lý Sơn. Nơi ấy là đất đai của tổ tiên để lại nên thế hệ ngư dân trẻ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn”, thợ lặn Chung quả quyết và thổ lộ rằng, cuộc đời của anh giờ đã gắn chặt với biển khơi và trở thành người con của biển cả, dẫu mưu sinh ở Hoàng Sa không ít lần đối mặt bên lằn ranh sinh tử.
Đoàn kết bám biển
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết, Lý Sơn có đội tàu đánh cá gần 550 chiếc, trong đó có gần 200 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu như trước đây, mỗi tàu ra khơi đánh bắt riêng lẻ nên rất mong manh khi gặp thiên tai hay nhân tai. Chính vì thế, từ khi thành lập tổ đoàn kết sản xuất trên biển không những giúp bà con ngư dân yên tâm bám ngư trường, bám biển dài ngày, góp phần tăng thu nhập cho mỗi chuyến biển mà còn tương trợ giúp đỡ lúc gặp khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền. “Đến nay, Lý Sơn đã thành lập được 43 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với hơn 100 tàu cá cùng hàng nghìn ngư dân tham gia. Thông qua tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân Lý Sơn, đặc biệt là những ngư dân trẻ ngày càng nâng cao ý thức trong việc cùng nhau nối vòng tay giữ biển, làm giàu cho gia đình và xã hội”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi, ngư dân trẻ Huỳnh Văn Cường, chủ tàu cá QNg 96472 TS, trải lòng: “Trước đại dương mênh mông trùng trùng sóng gió, mỗi tàu cá như một cánh én nhỏ nhoi. Do vậy, sức mạnh được nhân lên bội phần khi các tàu cá của ngư dân ở Lý Sơn liên kết hợp lực trở thành một khối thống nhất, vững chắc, cùng nhau bám biển, canh giữ biển đảo của Tổ quốc”.
Đối với bao thế hệ ngư dân Lý Sơn, ngư dân Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành người bạn gần gũi và thân quen. Biển nơi ấy đã ngấm vào máu của họ, được truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, dẫu phải vượt qua giông bão, hiểm nguy nhưng các ngư dân cả cuộc đời vẫn kiên cường bám biển. Họ đã sống vì biển, chết vì biển, thân xác vĩnh viễn nhập vào lòng biển cả mênh mông, hóa thành cột mốc biên cương của Tổ quốc ở nơi trùng khơi. Sức mạnh đoàn kết của lớp hậu bối Lý Sơn nói riêng và con dân đất Việt nói chung là niềm tin vững chãi để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi trường tồn cùng đất nước.
Theo nhandan.com.vn