Cập nhật: 19/08/2019 08:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận cách TP Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 110 km), có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng. Những năm gần đây, giao thông kết nối giữa đảo với đất liền ngày càng thuận lợi, Phú Quý trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, gần với đất liền hơn.

Đảo Phú Quý trở thành điểm du lịch hấp dẫn đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá.

Từ năm 2010 trở về trước, tình hình kinh tế - xã hội của Phú Quý vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thời gian sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ có 16 giờ/ngày, là một trong những điểm “nghẽn” trong phát triển. Từ ngày 1-7-2014, điện ở Phú Quý được cấp đủ 24 giờ, giá điện bằng với giá điện ở đất liền, tạo bước ngoặt lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên đảo. Chị Đỗ Thị Thùy Trang, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh phấn khởi cho biết: Các mặt hàng điện máy, điện gia dụng... bán rất chạy, doanh thu của cửa hàng tăng lên gấp nhiều lần. Cuộc sống trên đảo văn minh, vượt lên hẳn so với trước đây. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quý chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân địa phương, ngày 5-10-2016, Phú Quý đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.

Từ năm 2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp và cá nhân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu khách cao tốc có công suất lớn, đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, có bốn tàu trung tốc và cao tốc hằng ngày chạy tuyến Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại với năng lực vận chuyển hơn 1.100 hành khách, thời gian đi lại khoảng từ hơn hai giờ đến ba giờ, rút ngắn hơn một nửa so với trước, thuận lợi cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và du khách đến với đảo Phú Quý. Ngoài ra, có hai tàu vận chuyển hành khách - hàng hóa và ba tàu chở hàng từ 400 đến 600 tấn, đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa đất liền với đảo. Giao thông thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Phú Quý. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Ngô Tấn Lực, từ năm 2017 đến nay, lượng du khách đến đảo tăng đột biến. Năm 2017, có khoảng 16.600 lượt du khách, năm 2018 tăng lên 20 nghìn lượt du khách. Trong sáu tháng đầu năm 2019, đã có khoảng 17 nghìn lượt du khách chọn Phú Quý là điểm đến du lịch. Chỉ trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4 năm nay, Phú Quý đón khoảng 5.000 lượt khách, tăng 100% so với năm 2018. Với lượng du khách đến với đảo ngày càng tăng, các cơ sở lưu trú, kinh doanh phục vụ du khách cũng tăng nhanh. Hiện nay, Phú Quý có 30 cơ sở dịch vụ lưu trú gồm tám khách sạn, 22 nhà nghỉ với tổng số 217 buồng, chín cơ sở du lịch tại nhà (homestay) và một số nhà trọ. Về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch trong ngày bình thường, tuy nhiên, vẫn bị quá tải vào những dịp nghỉ lễ khi du khách đến Phú Quý tăng đột biến.

Phú Quý có diện tích tự nhiên hơn 17 km2 với số dân hơn 28 nghìn người, trong đó có gần 17 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Những năm gần đây, thương mại dịch vụ phát triển mạnh, tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế tại địa phương. Phú Quý có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng như tắm biển, câu cá, lặn biển, tham quan các di tích trên đảo, các làng chài truyền thống... Ngày 26-10-2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển; đón khoảng 45 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3.000 lượt; từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững. Đến năm 2030, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của khu du lịch cấp tỉnh, là khu du lịch biển, đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; đón khoảng 74 nghìn lượt khách; tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 10,46%/năm.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Bùi Thế Nhân cho biết, để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Phú Quý sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các công ty du lịch tại đất liền quảng bá và thực hiện tua du lịch tại Phú Quý. Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa du lịch, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương, nhất là nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch. Từng bước phát triển và hoàn thiện các sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển; du lịch sinh thái, câu cá biển; du lịch tham quan kết hợp với trải nghiệm làng nghề… Chú trọng xây dựng hình ảnh du lịch Phú Quý - điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải, để bảo đảm kết nối Phú Quý với đất liền, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách, phục vụ phát triển du lịch của đảo Phú Quý theo quy hoạch, ngành giao thông Bình Thuận tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ về mặt thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư thêm tàu cao tốc với số lượng và quy mô bảo đảm; mở thêm tuyến kết nối cảng Phú Quý với cảng Vĩnh Tân; mở rộng, nâng cấp công suất tiếp nhận tàu khách và tàu vận tải ở cả hai đầu cảng Phú Quý và cảng Phan Thiết; nạo vét luồng đáp ứng cho tàu khách và tàu vận tải có thể ra vào cảng dễ dàng. Phú Quý, đảo xa ngày càng gần với đất liền.

BÀI VÀ ẢNH: ĐÌNH CHÂU

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm