Giới quan sát cho rằng Ấn Độ đang thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông khi hợp tác với Nga mở tuyến hàng hải mới đi qua khu vực này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: EPA)
SCMP đưa tin, Nga và Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ về việc thiết lập một tuyến đường biển mới, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông tại Diễn dàn Kinh tế Phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok hôm 4/9.
Sự kiện có sự góp mặt của 2 nhà lãnh đạo: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Cụ thể, tuyến đường Ấn Độ-Thái Bình Dương mới sẽ kết nối thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga với Chennai ở vịnh Bengal ở đông Ấn Độ. Tuyến đường mới sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển của tàu bè giữa 2 nước so với tuyến hàng hải Saint Petersburg - Mumbai hiện nay.
Đây là động thái được giới chuyên gia đánh giá là nỗ lực của Ấn Độ trong việc thách thức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý, cũng như có hành vi bồi đắp, quân sự hóa trái phép.
Ngoài hợp tác về tuyến hàng hải, Nga và Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác về mặt quân sự và kỹ thuật, tuyên bố chung của 2 nước tại diễn đàn kinh tế cho hay. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ đã đạt được bước tiến mới trong năm ngoái với việc New Delhi đồng ý mua tổ hợp phòng không S-400 của Moscow.
Theo chuyên gia Hu Zhiyong, nhà nghiên cứu tại viện quan hệ quốc tế của học viện khoa học xã hội Thượng Hải, động thái trên cho thấy sự hợp tác Nga - Ấn vào thời điểm hiện tại đã tới giai đoạn bền vững. Mặt khác, Nga dường như muốn gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Á và hợp tác với Ấn Độ có thể giúp Moscow hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này.
Trong khi đó, Thủ tướng Modi nói rằng tuyến đường hàng hải mới phù hợp với chính sách của Ấn Độ nhằm kết nối chặt chẽ và sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị và kinh tế giữa quốc gia Nam Á với các nước Đông Nam Á.
Ngoài Nga, Ấn Độ cũng hướng tới bắt tay với các cường quốc khác trong khu vực. Tuần trước, họ cùng Nhật Bản ra tuyên bố chung trong khuôn khổ chuyến công du Tokyo của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Văn bản này nêu rõ cam kết của 2 nước trong việc chia sẻ hậu cần quân sự nhằm đạt được năng lực tương tác lớn hơn.
Cuối tháng 8, trong bối cảnh Trung Quốc đưa tàu xâm phạm trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), Ấn Độ đã kêu gọi các bên tuân thủ đúng luật pháp quốc tế khi hành xử tại Biển Đông, đồng thời phản đối mọi hành vi đe dọa dùng vũ lực tại khu vực này.
Theo Đức Hoàng/dantri.com.vn