Cập nhật: 11/09/2019 08:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

An Giang đã gây được chú ý với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại “Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh ITE HCMC 2019” khi quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh An Giang. Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “khảo sát Postshow tour dành cho người mua và báo chí quốc tế” nhằm quảng bá, giới thiệu, nâng cao hình ảnh du lịch An Giang đến quốc tế.

Đoàn khảo sát Posshow tour quốc tế khảo sát rừng tràm Trà Sư ở An Giang.

Ngày 4-9, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội thảo kết nối phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” thu hút hơn 200 đại biểu là lãnh đạo hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo và các chuyên gia du lịch...

Đến với hội thảo, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tham gia và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tour, tuyến, điểm du lịch với chủ đề “An Giang - hội tụ - khám phá - lan tỏa”. An Giang đã tham gia chung gian hàng triển lãm du lịch giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, các sản phẩm du lịch đặc thù như lễ hội đua bò Bảy Núi, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, rừng Tràm Trà Sư, Thiên Cấm Sơn… Ngoài các sản phẩm du lịch, An Giang còn giới thiệu các sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh như sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Chăm An Giang, các đặc sản vùng Bảy Núi như cây thốt nốt, cây chúc... Các sản phẩm du lịch đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác trong nước, ngoài nước và khách tham quan hội chợ.

Từ thành công tại hội chợ, để tiếp tục quảng bá hình ảnh và hợp tác xây dựng các tour - tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “khảo sát Postshow tour dành cho người mua và báo chí quốc tế” nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của địa phương gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối và hợp tác phát triển với các doanh nghiệp du lịch quốc tế. Đoàn khảo sát với sự tham gia của gần 20 đại biểu là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và châu lục khác nhau như: Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Lan... đích thân trải nghiệm để có cái nhìn khách quang đa chiều hơn về vùng đất An Giang.

Các thành viên đoàn khảo sát mua hàng lưu niệm tại làng Chăm Đa Phước, tỉnh An Giang.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang nhấn mạnh, qua chương trình khảo sát lần này, An Giang hy vọng sẽ đón được thêm nhiều lượt khách quốc tế về với địa phương, mở rộng được thị trường khách du lịch. Đồng thời, đưa hình ảnh du lịch An Giang ra thị trường du lịch quốc tế, nhằm thúc đẩy ngành du lịch An Giang phát triển hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm tới.

Ông Hiếu bày tỏ với đoàn, trong những năm qua, ngành du lịch An Giang đã liên tục phát triển mạnh mẽ theo nhịp phát triển chung của đất nước. Cụ thể, trong sáu tháng qua, tỉnh đã đón bảy triệu lượt khách đến tham quan, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, lượt khách đến An Giang gia tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2015, cả tỉnh đón 6,3 triệu lượt khách; năm 2016, đón khoảng 6,7 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân là 10%/năm. Từ các con số trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình kỳ vọng, ngành du lịch của tỉnh đón hơn 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân là 2,5 ngày vào năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh luôn chia sẻ: “Đảng bộ An Giang xem du lịch là ngành mũi nhọn hàng đầu nên tập trung phát triển du lịch, xác định giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 là "giữ chân du khách" với các chỉ tiêu cụ thể tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025 với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày”.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại An Giang, những hình ảnh quảng bá, tuyên truyền đã gây chú ý với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhưng vẫn không gì bằng trải nghiệm thực sự mới lột tả hết cảm xúc về vùng đất An Giang. Quả thật, trong chuỗi chương trình khảo sát tới rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên ngay mùa lũ về đem đến cho đoàn nhiều cảm xúc thú vị. Cả đoàn khảo sát ngồi trên tắc ráng chầm chậm lướt sóng nước nhấp nhô qua cánh rừng tràm xanh bát ngát. “Cảm xúc bơi xuồng len lỏi trong lõi rừng, hứng cơn gió rừng mát rượi, từng cánh chim chao đảo trên trời xanh kêu hót liên hồi đưa con người về với an nhiên tự tại. Trước khi vào rừng tràm Trà Sư, chạy lướt qua cảnh núi rừng hùng vĩ Thất Sơn đã để lại ấn tượng khó quên về cảnh đẹp tự nhiên”, một thành viên người Ấn Độ trong đoàn bày tỏ.

Từ núi rừng, đoàn tiếp tục hành trình trên ngã ba sông Châu Đốc, một dòng sông khá thơ mộng trong mùa lũ đang tràn về. Nhiều người trong đoàn thích thú khoát tay lên sóng nước để cảm nhận những giọt phù sa lẫn trong dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về bồi đắp cho vùng châu thổ Cửu Long. Đoàn đã đến các làng bè tìm hiểu đời sống của người dân trong mùa nước nổi đặc trưng của miền Tây; Tìm hiểu nghề nuôi cá trong bè để cảm nhận rõ hơn về nghề nuôi cá đã nổi danh ở Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Tham quan làng Chăm ở An Giang.

Đoàn đã đến làng Chăm Đa Phước, Thánh đường Ehsan ở xã Đa Phước, huyện An Phú tìm hiểu các sản phẩm truyền thống dệt thổ cẩm ở làng Chăm cũng như Thánh đường nổi tiếng lâu đời. Nhiều người trong đoàn đã thích thú mua các sản phẩm du lịch như khăn choàng, bóp, túi xách hay nếm thử bánh bò do người Chăm chế biến. Chị Darling, một du khách trong đoàn quốc tế bày tỏ, những trải nghiệm từ vùng rừng núi đến miền sông nước đã để lại những ấn tượng khó quên về một An Giang thơ mộng và xinh đẹp.

Chia tay đoàn, ông Lê Trung Hiếu khẳng định, Đảng bộ An Giang xác định du lịch là ngành mũi nhọn, do vậy, những năm qua, tỉnh luôn phấn đấu hết mình để trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trung tâm cam kết sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao và phát triển.

THANH DŨNG - QUỐC DŨNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm