Cập nhật: 16/09/2019 08:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được thiên nhiên ban tặng 192km bờ biển với những dải cát trắng kéo dài, thời tiết quanh năm ổn định, Bình Thuận là điểm đến lý tưởng của du khách vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Bãi biển ở Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/Vietnam+)

Qua 24 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Bình Thuận không chỉ đánh dấu tên mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Để hiện thực hóa Quyết định số 1772/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ven biển.

Khẳng định thế mạnh du lịch ven biển

Sự kiện Nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/2015 đã thu hút hàng trăm nghìn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né-Phan Thiết (Bình Thuận) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, trong đó có nhiều doanh nhân đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Mũi Né hoang sơ với những rặng dừa và đồi cát đã được đánh thức, nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách lẫn các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy và đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết du lịch Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ. Vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Lượng khách liên tục tăng qua các năm, nhất là khách quốc tế là bằng chứng cho sự phát triển của du lịch Bình Thuận. Nếu như năm 1995 toàn tỉnh Bình Thuận mới đón 53.200 lượt khách, đến năm 2018, lượng khách đến với tỉnh đạt 5,7 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 675 nghìn lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 12,86%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 14%/năm. Doanh thu từ khách du lịch tăng bình quân 19,2%/năm.

Năm 2018, GRDP du lịch ước đạt 9,44% trên tổng GRDP của tỉnh. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Thuận đón gần 4 triệu lượt khách (tăng 12% so cùng kỳ năm 2018). Doanh thu du lịch 8 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 9.900 tỷ đồng (tăng 18% so cùng kỳ năm 2018).

Thêm vào đó, việc tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng ngày càng thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Bình Thuận. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 390 dự án du lịch còn hiệu lực, trong đó 23 dự án đầu tư nước ngoài. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.

Với gần 490 cơ sở lưu trú, tổng số 15.000 phòng lưu trú, Bình Thuận cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong các đợt cao điểm.

Được thiên nhiên ban tặng 192km bờ biển với những dải cát trắng kéo dài, thời tiết quanh năm ổn định, Bình Thuận là điểm đến lý tưởng của du khách vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Bình Thuận được thiên nhiên ban tặng 192km bờ biển với những dải cát trắng kéo dài. (Ảnh: Hồng Hiếu/Vietnam+)

Thêm vào đó, Bình Thuận còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp ven biển như: Mũi Yến, Hòn Cau, hải đăng Kê Gà, Gành Son... Đặc biệt, Bình Thuận còn có dải resort cao cấp ven biển Hàm Tiến, Mũi Né - nơi ghi dấu ấn trong lòng du khách mà không nơi nào có được.

Chị Tatyana, du khách đến từ Nga cho biết chị rất thích biển và con người nơi đây. Đi du lịch ở nhiều nơi nhưng chị Tatyana luôn quay lại nơi này vì cảm giác rất thân thuộc.

Không chỉ có các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp cùng phong cách ẩm thực độc đáo miền biển, Bình Thuận còn là nơi hội tụ của vận động viên, du khách đam mê môn thể thao trên biển. Với ưu đãi về nắng, gió, địa hình tự nhiên..., Bình Thuận trở thành một trong những nơi tốt nhất để tổ chức các môn thể thao như lướt ván buồm, lướt ván diều...

Nổi bật là Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup được tổ chức đều đặn trong hơn 20 năm qua. Điều này minh chứng cho sức hấp dẫn của biển Mũi Né nói riêng và biển Bình Thuận nói chung.

Theo ông Pascal Lefebvre, đơn vị tổ chức Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup, điều thu được lớn nhất chính là việc quảng bá hình ảnh của Mũi Né đến với thế giới. Từ các giải đấu, các du khách, vận động viên biết và tìm đến Mũi Né nhiều hơn.

Thu hút các dự án tầm cỡ để du lịch vươn tầm

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn tích cực thu hút đầu tư, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, tốc độ phát triển du lịch của tỉnh còn chậm so với mặt bằng chung của các địa phương khác.

Hiện nay, Bình Thuận vẫn còn thiếu các khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, tổ hợp du lịch đa năng với những sản phẩm du lịch cao cấp... để kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu và số lần quay lại của du khách trong nước, quốc tế.

Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng... là những nguyên nhân khiến du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết việc cuối năm 2018, Mũi Né (Bình Thuận) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thành Khu du lịch quốc gia đã tạo cơ sở giúp Bình Thuận thu hút nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Mũi Né thành điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 đưa Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bình Thuận có nhiều lợi thế phát triển du lịch. (Ảnh: Hồng Hiếu/Vietnam+)

Để hiện thực hóa quy hoạch này, thời gian tới, Bình Thuận tập trung khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh là du lịch biển và sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tham quan, khám phá cảnh quan, hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên địa hình cát.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch khác như sản phẩm du lịch khai thác đặc trưng văn hóa địa phương; du lịch gắn với cộng đồng; du lịch gắn với lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; các hoạt động nghệ thuật đường phố... tiếp tục được đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trên cơ sở quy hoạch không gian phát triển du lịch, ngoài khu vực trung tâm là Mũi Né (thành phố Phan Thiết), Bình Thuận tập trung kêu gọi các dự án khu phức hợp du lịch lớn, tổ hợp du lịch đa năng với những sản phẩm du lịch cao cấp, đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nông nghiệp kết hợp đô thị, khám phá biển đảo vào khu vực Hòa Thắng, Hòa Phú (huyện Bắc Bình) và các dự án du lịch quy mô lớn tại khu vực ven biển phía Nam như Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam, huyện đảo Phú Quý.

Để khai thác hết tiềm năng và đưa du lịch vươn tầm, thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; cải cách mạnh thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nhất là các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp.

Tỉnh đầu tư dự án du lịch mang tính đặc trưng, tổ hợp du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao biển có quy mô lớn, chất lượng cao.

Tỉnh sẽ thúc đẩy triển khai sớm các dự án đầu tư: đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B; đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết; tăng cường quản lý đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, ứng xử thân thiện, giải quyết tốt vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội./.

Theo Hồng Hiếu (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/binh-thuan-day-manh-thu-hut-dau-tu-khai-thac-loi-the-du-lich-ven-bien/594941.vnp

Tệp đính kèm