Cập nhật: 07/10/2019 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hành trình chuyển vị gần 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm được xem là việc làm đầy trách nhiệm và nhân văn.

10 năm Cù Lao Chàm, Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi đây đã có bước chuyển mình đáng kể với sự bảo tồn nguyên vẹn và phục hồi các giá trị tài nguyên thiên nhiên. Hành trình chuyển vị gần 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm được xem là việc làm đầy trách nhiệm và nhân văn của những người làm công tác bảo tồn tại đây.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Cù Lao Chàm từng được biết đến là ngôi nhà lý tưởng để rùa biển sinh sống. Nhưng 10 năm trở lại đây, rùa biển không vào bờ đẻ trứng và sinh sống trên đảo như trước nữa. Tập quán sắn bắt của cư dân Cù Lao Chàm khiến loài động vật này suy kiệt. Môi trường sống của các loài sinh vật biển quý hiếm, trong đó có rùa biển còn bị tác động xấu bởi hoạt động du lịch.

Ông Nguyễn Văn Bảy, cư dân sinh sống ở Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm, thành phố Hội An cho biết, khu vực bãi biển từng nơi rùa biển đẻ trứng được dành để làm các khu nghỉ dưỡng; bầu không khí ồn ào cũng là điều tối kỵ làm cho rùa không dám vào bờ đẻ trứng.

"Trước khi Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời, ngư dân ở đây khi đánh lưới bắt được rùa thì họ xẻ thịt ăn hoặc bán. Sau khi có Ban Quản lý Bảo tồn biển, người dân khi bắt được rùa biển thì hiến tặng hoặc gọi báo cho Ban Quản lý tiếp nhận con rùa này", ông Bảy cho biết.

Rùa con nở chật kín hang.

Năm 2015, sau khi có quyết định thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, các cán bộ ở đây xúc tiến xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Cù Lao Chàm”. Trong đó, tập trung thực hiện lần lượt theo 2 phương thức là bảo tồn chuyển vị (tức là vận chuyển trứng rùa từ nơi khác về ấp nở tại Cù Lao Chàm) và bảo tồn nguyên vị (tạo sinh cảnh, không gian thuận lợi để rùa biển lên bãi đẻ trứng ngay ở khu vực bãi biển Cù Lao Chàm).

Tháng 8 năm 2017, Ban Quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành vận chuyển đợt đầu tiên với số lượng 450 trứng đã được ấp tại Côn Đảo khoảng 40 ngày đưa về Cù Lao Chàm. Mặc dù cự ly vận chuyển xa, hơn 1000 cây số nhưng nhờ được chăm sóc kỹ nên tỷ lệ trứng ấp nở đạt trên 95%. Kể từ đó, mỗi năm Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đều lên kế hoạch vận chuyển trứng rùa từ các nơi về Cù Lao Chàm.

Năm 2017, Ban Quản lý vận chuyển 1.000 trứng, 2 năm kế tiếp, mỗi năm vận chuyển 500 trứng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay đã qua 6 đợt vận chuyển với gần 2.000 trứng, tỷ lệ ấp nở đạt trên 90%: "20-30 năm về trước, Cù Lao Chàm là nơi có rất nhiều rùa biển sinh sống trên các bãi biển. Do nhận thức chưa đầy đủ nên thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đến công tác này nên rùa biển biến mất ở khu vực Cù Lao Chàm. Năm 2015, chúng tôi làm các đợt tham vấn người dân thì mới phát hiện ra thông tin về rùa biển ở đây. Hỏi ra thì người dân rất mong muốn cần thực hiện bảo tồn rùa biển để đưa rùa biển về lại với Cù Lao Chàm".

Thành công lớn nhất của việc bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển Cù Lao Chàm là đã góp phần nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp, du khách về ý thức bảo tồn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương ưu tiên giữ nguyên trạng khu vực Bãi Bấc (dài khoảng 500 đến 600 mét) để bảo tồn rùa biển. Các hoạt động kinh doanh buôn bán và giao thông khu vực này cũng sẽ được tính toán, bố trí ở một nơi khác; Kể cả hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản gần đó, chính quyền cũng từng bước chuyển đổi sinh kế cho người dân.

Hiện chưa có thống kê tỷ lệ sống của rùa con khi thả về biển. Bởi quy luật sinh tồn đối với các loài sinh vật biển rất khắc nghiệt. Các cơ quan chuyên môn đang tính đến việc gắn chip để theo dõi quá trình sinh tồn của rùa, từ đó có kế hoạch bảo tồn sau này với hy vọng phục hồi các giá trị tài nguyên Cù Lao Chàm./.

Theo Hoài Nam/VOV.VN

 

 

Tệp đính kèm